Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19

16:25, 17/03/2021

Sáng 17-3, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 và 63 tỉnh, thành phố đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch thời gian qua, bàn các giải pháp lớn để phòng, chống dịch hiệu quả thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của tỉnh H’Yim Kđoh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện một số sở, ngành hữu quan. 

Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 2.560 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 1.564 trường hợp lây nhiễm trong nước; đã có 2.186 trường hợp được điều trị khỏi, 35 trường hợp tử vong và hiện còn 339 trường hợp đang được điều trị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh chụp qua màn hình)

Ngay khi dịch bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra phương châm “chống dịch như chống giặc”, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt hệ thống các giải pháp đồng bộ, phù hợp nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất cho an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Đến nay, trong nước đã cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn lây lan trên diện rộng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch; tích cực xác lập và vận hành trạng thái bình thường mới cho các hoạt động kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn quốc.

Thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 26-2-2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đã khẩn trương triển khai thực hiện mua và tiêm chủng cho người dân. Đến nay đã có trên 15.800 người được tiêm vắc xin Covid-19 AstraZeneca đảm bảo an toàn, hiệu quả. Bộ Y tế đang đàm phán với các công ty khác để đa dạng hóa nguồn cung vắc xin, đồng thời thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước nhằm đảo đảm nguồn cung, chủ động ứng phó khi có các đại dịch trong tương lai.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tình hình dịch Covid-19 trong nước. (Ảnh chụp qua màn hinh)

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tuy đã kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn được lây lan trên diện rộng song nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực, đặc biệt đối với các đô thị lớn, nơi tập trung đông người, có mật độ dân số cao. Về lâu dài, việc kiểm soát dịch phụ thuộc nhiều vào việc phát triển vắc xin. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vắc xin nhập khẩu còn hạn chế và vắc xin trong nước dự kiến phải tới quý IV năm 2021 mới có thể có. Do đó, trước mắt, ngành Y tế khuyến cáo mọi người dân Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 5K .

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: đối với dịch Covid-19, nước ta đã nhận diện chính xác mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và sớm kích hoạt hệ thống phòng dịch quốc gia kịp thời, đưa ra giải pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh và thực lực của đất nước nên đã ngăn chặn hiệu quả các đợt dịch lây lan trong cộng đồng trong suốt 14 tháng qua. 

Phó Chủ tịch UBND tình H'Yim Kđoh và các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
Phó Chủ tịch UBND tình H'Yim Kđoh và các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh này vẫn luôn tiềm ẩn và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Do đó cả hệ thống chính trị cần quyết tâm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa  phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động các phương án chống dịch, sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn với phương châm “4 tại chỗ”; phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập phòng dịch quán triệt phương châm truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, không thỏa hiệp và thực hiện cách ly tập trung ngay với tất cả các trường hợp tiếp xúc gần (F1) với ca bệnh, khống chế mầm bệnh không để lây lan rộng trong cộng đồng, hạn chế đến mức thấp nhất các áp lực tiêu cực đến hoạt động kinh tế - xã hội...

Kim Oanh

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.