Multimedia Đọc Báo in

Xem bộ đội biên phòng huấn luyện chó nghiệp vụ

16:00, 27/11/2021

Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới và sẵn sàng cơ động lực lượng chi viện cho các đơn vị trên tuyến biên giới. Đặc biệt, đơn vị còn được biết là nơi huấn luyện và chăm sóc chó nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh.

Trung tá Trần Lợi, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động cho biết, Đội huấn luyện chó nghiệp vụ có 5 huấn luyện viên (HLV) và 5 chó nghiệp vụ, thường xuyên tập luyện, nâng cao sức khỏe, tính chiến đấu của chó nghiệp vụ nhằm phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ biên giới và các nhiệm vụ như tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép phòng, chống dịch COVID-19...

Những chú chó nghiệp vụ ở đây là giống chó Becgie, trung bình từ 6 đến 10 năm tuổi. Loài chó này có vóc dáng lớn, thông minh, dũng mãnh, tuyệt đối trung thành và có khả năng học các nhiệm vụ chỉ sau vài lần luyện tập. Mỗi chó nghiệp vụ được đặt tên gọi khác nhau, do một HLV chăm sóc, huấn luyện.

Chó nghiệp vụ và huấn luyện viên thường xuyên rèn luyện thể lực để nâng cao sức khỏe và sức chiến đấu.

Trước khi vào huấn luyện, chó nghiệp vụ và HLV sẽ luyện tập các động tác rèn luyện thể lực như chạy dài, vượt vật cản... để nâng cao sức khỏe, tính linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ, cũng như tạo sự hưng phấn ban đầu khi bước vào huấn luyện… Kết thúc những động tác rèn luyện thể lực, chó nghiệp vụ được chuyển sang luyện tập các động tác cơ bản bằng phương pháp điều khiển từ xa bao gồm chào, nằm, ngồi, quỳ, đứng, bò, trườn, lăn...

Song song với đó, để đảm bảo xử lý hiệu quả các tình huống trên biên giới, nhất là khi phát hiện và truy bắt các loại tội phạm, chó nghiệp vụ phải được luyện tập từng tình huống cụ thể. Trung úy Vương Văn Thành giải thích: “Theo bản năng, khi mới phát hiện đối tượng, các chú chó sẽ phát ra tiếng động như sủa lớn, thở mạnh, giật dây cương báo cho HLV biết. Tuy nhiên, trong thực tế để truy bắt được tội phạm đòi hỏi phải giữ bí mật khi mật phục, đến cự ly nhất định mới tiến hành vây bắt. Nếu phát ra tiếng động sớm, đội hình truy bắt sẽ bị lộ, đối tượng có khả năng trốn thoát hoặc chống trả quyết liệt, rất nguy hiểm. Vì vậy HLV phải huấn luyện chó nghiệp vụ giữ được sự bình tĩnh, im lặng cho đến khi HLV ra khẩu lệnh mới xông lên”.

Để thực hiện được điều này, người HLV phải nhận biết sớm biểu hiện của các chú chó và có động tác ra hiệu để chúng nhận biết là HLV đã biết và hiểu ý, đồng thời có những biện pháp để chó nghiệp vụ không tạo ra tiếng động. Công việc này phải được luyện tập nhiều lần, đòi hỏi chuẩn bị tốt về thao trường, chuẩn bị tình huống với người đóng vai đối tượng, kẻ địch như thật. Tuy nhiên, để chọn được “quân xanh” thì không hề đơn giản vì rủi ro bị thương khi huấn luyện rất cao. Vậy nên, chính các HLV cũng phải làm “quân xanh”, các anh phải thay đổi trang phục, đeo khẩu trang để chó không nhận ra mình, đồng thời phải “bảo hộ” bằng bao tay bảo vệ, cuộn thêm một lớp bông dày phía trong và mặc thêm quần áo nhiều lớp. Nhìn những chiếc bao tay với chi chít vết răng để lại, có thể cảm nhận được sức mạnh từ cơ hàm của những chú chó nghiệp vụ này.

Chó nghiệp vụ được huấn luyện viên luyện tập tình huống truy bắt tội phạm.

Sau những giờ huấn luyện vất vả, giờ giải lao trên thao trường với những chú chó nghiệp vụ cũng rất đặc biệt, chúng rất thích chơi những trò chơi như ném bóng, chạy dạo. Bên cạnh đó, để đảm bảo sức khỏe cho chó nghiệp vụ, HLV phải chăm sóc rất kỹ nơi ăn, nơi nghỉ. Những lúc chăm sóc cũng là dịp gắn kết tình cảm giữa HLV với chó nghiệp vụ. Ở đây, mỗi chú chó chỉ nghe lời và phục tùng mệnh lệnh của một HLV. Đây chính là lợi thế trong huấn luyện nhưng cũng sẽ gặp khó khi chăm sóc nếu như có HLV đi vắng, đi phép. Vậy nên, mỗi khi đi phép hay đi công tác, việc bàn giao cũng phải được thực hiện tỉ mỉ, cụ thể.

Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhằm kiểm soát chặt chẽ biên giới, ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk đã huy động tối đa lực lượng lên các chốt phòng, chống dịch trên biên giới, đặc biệt là triển khai hai đợt với 6 lượt HLV và chó nghiệp vụ tăng cường lên biên giới. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều đối tượng vi phạm quy chế biên giới và xuất nhập cảnh trái phép.

Ngọc Lân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.