Multimedia Đọc Báo in

Đột quỵ thời COVID - Đừng để lỡ mất “giờ vàng”

17:04, 22/04/2022

Đột quỵ đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế cho bệnh nhân, cao hơn cả bệnh ung thư và tim mạch, đặc biệt đột quỵ do COVID-19 thường có kết cục lâm sàng nặng nề hơn.

Các nghiên cứu gần đầy cho thấy, rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ trong thời điểm dịch COVID-19 do lo sợ về dịch bệnh nên đã không đến cấp cứu kịp thời tại bệnh viện, khiến nhiều bệnh nhân đột quỵ mất cơ hội được cấp cứu đột quỵ trong "giờ vàng". Kết quả là để lại sự tàn phế và tử vong cao, gia tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đâu là "giờ vàng" để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ?

Theo thống kê, khoảng 3-5% bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ đột quỵ trong thời gian mắc bệnh. Đột quỵ thường xảy ra vào 3-5 ngày đầu tiên khi có kết quả dương tính, tỷ lệ mắc đột quỵ tăng cao hơn nữa ở những bệnh nhân bị COVID nặng, những người có bệnh lý nền như: đái tháo đường thể 2, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì….

Sở dĩ COVID-19 có thể gây đột quỵ bởi virus làm tăng phản ứng viêm và dẫn đến gia tăng hình thành các cục máu đông trong hệ động mạch, tĩnh mạch ở các cơ quan, đặc biệt là não và phổi. "Sau khi đột quỵ xảy ra, mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị chết. Điều tiên quyết ở bệnh nhân đột quỵ dù bất cứ lý do gì, cũng là phải được cấp cứu và can thiệp trong giờ vàng là trong vòng 6 giờ khi xảy ra đột quỵ."- TS.BS Tôn Thất Trí Dũng, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng khẳng định.

can thiệp mạch não cho 1 bệnh nhân trong giờ vàng, tránh được những di chứng nặng nề của đột quỵ
Can thiệp mạch não cho một bệnh nhân trong "giờ vàng", tránh được những di chứng nặng nề của đột quỵ.

Theo BS Dũng, đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa tại Việt nam, đây là vấn đề thật sự đáng lo ngại. Theo thống kê cho thấy có đến 10% bệnh nhân đột quỵ ở độ tuổi 18 – 44. Người trẻ tuổi khi mắc COVID-19 và có các dấu hiệu đột quỵ thường không nghĩ đến khả năng đột quỵ nên không đi bệnh viện ngay. Họ tưởng là mình chỉ mệt mỏi nên thay vì phải đến bệnh viện ngay họ lại nghỉ ngơi với hy vọng cơ thể ổn định trở lại. Hậu quả là để lại di chứng nặng nề về vận động, thần kinh. Ngoài ra việc e ngại lây dịch COVID-19, cộng với việc chưa hiểu phải cấp cứu sớm nên khi bị đột quỵ, bệnh nhân cũng có xu hướng trì hoãn nhập viện.

Đáng chú ý, những bệnh nhân đột quỵ khi bị nhiễm COVID-19, ngoài những nguy cơ thông thường như liệt, hạn chế vận động, mất thăng bằng…, còn gặp các vấn đề ở hô hấp, tim do virus SARS – CoV-2. Do đó, khả năng hồi phục của người bệnh sẽ hạn chế hơn và đòi hỏi thời gian dài hơn.

Để điều trị đột quỵ, thông thường, các bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp sớm nhằm giải phóng cục máu đông, tái tưới máu cho não. Hiện nay, nhiều bệnh viện ở Việt Nam đã làm chủ các phương pháp can thiệp đột quỵ hiện đại nhưng chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên có Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng. 

"Tầm soát yếu tố nguy cơ không để đột quỵ xảy ra là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất"

Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến nặng nề vừa qua, Vinmec Đà Nẵng tiếp nhận nhiều bệnh nhân có triệu chứng, nguy cơ đột quỵ. Trường hợp chị Nguyễn Thị K. P. (48 tuổi) là một ví dụ. Chị P. đau đầu âm ỉ trong thời gian dài, sau đó đi khám và được chẩn đoán chính xác bằng trang thiết bị hiện đại, được điều trị kịp thời bằng phương pháp can thiệp túi phình, đặt stent chuyển dòng, chủ động loại bỏ túi phình mạch não trước khi túi phình bị vỡ gây đột quỵ.

Túi phình động mạch não được chẩn đoán sớm trên máy chụp cộng hưởng từ MRI Tesla 3.0
Túi phình động mạch não được chẩn đoán sớm trên máy chụp cộng hưởng từ MRI Tesla 3.0

Ngay cả với những trường hợp dương tính virus Sars-CoV-2 như bệnh nhân Nguyễn Thị H. (54 tuổi) bị nhức đầu kéo dài, được khám và sàng lọc và nhận được những chỉ dẫn để phòng tránh, chờ can thiệp ngay khi khỏi COVID-19 để tránh đột quỵ. Vì vậy, bác sĩ khẳng định, những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ của đột quỵ thì nên được khám và sàng lọc, kiểm soát các yếu tố nguy cơ để phòng tránh đột quỵ xảy ra.

Thực tế, trước khi đột quỵ xảy ra, cơ thể đã có những "tín hiệu" sức khỏe đòi hỏi cần quan tâm và khám sàng lọc đề phòng đột quỵ trước khi quá muộn. Và dù có bị nhiễm COVID hay không, khi bạn có một trong biểu hiện sau đây mà đột ngột xảy ra, nghĩa là bạn có thể đang bị đột quỵ, bạn cần khẩn cấp được đưa đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời:

- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân;
- Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói;
- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt;
- Đột ngột đau đầu dữ dội;
- Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc không thể cử động theo ý muốn…

Việc phòng ngừa đột quỵ xảy ra ở những người có yếu tố nguy cơ và tình trạng tâm thần kinh hậu COVID-19 là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Nắm bắt được nhu cầu này, một số bệnh viện trong nước đã thiết kế gói sàng lọc nguy cơ đột quỵ và các rối loạn tâm thần kinh sau nhiễm COVID-19.

Thông qua gói khám, người bệnh sẽ được đánh giá chức năng thần kinh - tâm thần, tim mạch – hô hấp và thực hiện các thăm dò đánh giá tình trạng tổn thương nhu mô và hệ mạch máu não. Từ đó, các bác sĩ xác định được nguy cơ để có biện pháp phục hồi tình trạng thần kinh cũng như dự phòng đột quỵ cho người bệnh. Đặc biệt, với những người có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ, béo phì…thì việc sàng lọc này càng có ý nghĩa.

Theo Sức khỏe và Đời sống
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.