Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng chống dịch cúm A/H5N1 lây sang người

09:13, 14/11/2022

Ngay sau khi trên địa bàn huyện Krông Pắc ghi nhận 2 ổ dịch cúm A/H5N1, để chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm A/H5N1 bùng phát trên gia cầm và có nguy cơ lây sang người, không để xảy ra dịch chồng dịch trong bối cảnh dịch COVID-19 và dịch sốt xuất huyết vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ngành Y tế phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, 2 ổ dịch cúm A/H5N1 xuất hiện tại 2 hộ dân ở thôn 11 và thôn 5 xã Ea Kly, huyện Krông Pắc với số gia cầm mắc bệnh lên đến trên 1.500 con. Cụ thể, ổ dịch đầu tiên được ghi nhận vào ngày 29/10 tại gia đình ông Nguyễn Nhu Lực ở thôn 11 với số gia cầm mắc bệnh gần 800 con (gồm 650 con gà; 100 con ngan và 40 con chim bồ câu). Đến ngày 5/11 Trạm chăn nuôi thú y xã Ea Kly tiếp tục phát hiện thêm 1 một dịch cúm gia cầm khác tại gia đình ông Ngô Đức Tình ở thôn 5 với tổng số gia cầm bị bệnh 750 con (gồm 500 con vịt và 250 con gà).

Sau khi có kết quả gia cầm dương tính với vi rút Cúm A/H5N1, Trạm chăn nuôi và Thú y xã đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy toàn bộ số gia cầm bị bệnh; thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, hố tiêu hủy và khu vực xung quanh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp 36 lít hóa chất để địa phương triển khai công tác tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi trên địa bàn xã Ea Kly.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cúm A/H5N1 cho người dân có tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh. 

Cùng với đó, y tế địa phương đã triển khai các biện pháp phòng bệnh lây lan từ động vật qua người. Bác sĩ Nguyễn Quý, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc cho biết, đơn vị đã tiến hành điều tra các trường hợp tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh. Đồng thời tiến hành tuyên truyền cho người dân nhận biết tình trạng gia cầm chết bất thường, đồng loạt thì thông báo sớm cho lực lượng chức năng, không nên vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, chế biến gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là gia cầm đã chết. Hiện tại sau lần xét nghiệm đầu tiên, kết quả cho thấy các trường hợp người dân chăn nuôi tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh đều âm tính với cúm A/H5N1.

Nhận được thông tin trên địa bàn huyện Krông Pắc xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N1, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) cũng nhanh chóng tiến hành điều tra, xử lý, giám sát bệnh cúm gia cầm trên người tại địa bàn xã Ea Kly. Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc CDC, khi Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm thì CDC cũng phối hợp song hành để điều tra số người tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh, lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn người dân tự cách ly tạm thời, theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày để phòng ngừa việc lây lan bệnh từ gia cầm qua người.

Cũng theo bác sĩ Lê Phúc, bệnh cúm gia cầm lây sang người là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm A/H5N1 gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Bệnh có biểu hiện: sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cho người.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện các biện pháp: không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc