Multimedia Đọc Báo in

Chủ động giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

14:04, 30/05/2022

Trước tình hình diễn biến của bệnh đậu mùa khỉ, để chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có Công văn số 551/DP-DT gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur; Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đợt bùng phát dịch bệnh đầu mùa khỉ gần đây, từ ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Anh ngày 13/5/2022, tính đến 25/5/2022, thế giới đã ghi nhận hơn 158 trường hợp mắc bệnh, 117 trường hợp nghi ngờ tại 19 quốc gia và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Các ca bệnh được phát hiện đều không có tiền sử đi về từ vùng có dịch và các quốc gia ghi nhận ca bệnh chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ trước đây. Các trường hợp mắc bệnh được xác định là bị nhiễm vi rút đậu mùa khỉ nhánh Tây Phi và có đặc điểm giống vi rút đậu mùa khỉ lây truyền từ Nigeria sang một số quốc gia năm 2018, 2019. WHO dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ vào năm 1958, trường hợp mắc bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Công gô. Bệnh có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần gũi, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày (thường từ 6 đến 13 ngày). Bệnh đậu mùa khỉ có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to.

Cụ y tế dự phòng khuyến cáo các biện pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
Cụ y tế dự phòng khuyến cáo các biện pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. Nguồn: TTXVN

Cục Y tế dự phòng đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (Benin, Cameroon, CH Trung Phi, CHDC Công gô, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, CH Công gô, Sierra Leone và Nam Sudan); tăng cường giám sát phát hiện trường hợp nghi ngờ, trường hợp có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ (theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới). Khi phát hiện, báo cáo ngay Sở Y tế để phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.

Để phòng, chống tạm thời bệnh đậu mùa khỉ, ngành y tế khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh; thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường; che miệng khi ho, hắt hơi; người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; gười có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh; người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Cùng kiểm lâm giữ rừng 
Bên cạnh lực lượng kiểm lâm chuyên trách giữ rừng, Vườn Quốc gia Yok Đôn với chính sách giao khoán rừng cho người dân vùng đệm đã “biên chế” thêm hàng nghìn người dân cùng chung tay bảo vệ rừng, trở thành cánh tay đắc lực giữ vững màu xanh cho đại ngàn Yok Đôn.