Multimedia Đọc Báo in

Hệ lụy khi trẻ tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử

09:17, 22/08/2021

Để phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc, tập trung đông người, nhiều tỉnh, thành, trong đó có tỉnh Đắk Lắk đã quyết định tạm dừng tổ chức các hoạt động giáo dục và hoạt động hè cho trẻ.

Tuy nhiên, việc nghỉ học kéo dài, không được vui chơi ngoài trời và trẻ phải học bằng hình thức online khiến nhiều trẻ suốt ngày “làm bạn” với màn hình điện thoại, ti vi, máy tính, từ đó dễ gây ra các vấn đề về sức khỏe và rối loạn tâm lý cho trẻ nếu phụ huynh không kiểm soát tốt.

Chị T.M.G. (trú phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) có con trai 4 tuổi. Trong thời gian địa phương áp dụng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, cậu ở nhà chủ yếu xem ti vi, điện thoại. “Thời gian đó, tôi thấy cháu thường gắt gỏng, khó chịu, chỉ lúc nào xem điện thoại cháu mới chịu ngồi yên. Thấy con có những biểu hiện khác thường về tính cách như chỉ thích ngồi một mình, không có điện thoại là ăn cơm sẽ quấy khóc, hay dụi mắt vì mỏi…, tôi đã nhận ra vấn đề và lập tức đưa cháu đến bác sĩ khám, tư vấn”, chị G. chia sẻ.

Trong thời gian nghỉ dịch, trẻ thường có xu hướng xem nhiều điện thoại, ti vi.

Để con không quên bài vở và học thêm kiến thức khi nghỉ dịch ở nhà, anh T.M.Đ. (trú phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) đăng ký cho con các lớp học thêm online. Bận rộn công việc, nhiều khi anh đưa luôn máy tính bảng cho con tự chơi, tự học cả ngày. Sau đó, nghe thông tin nhiều trẻ bị ảnh hưởng trên mạng bởi các clip bạo lực chưa được kiểm duyệt, nhận ra việc trẻ xem quá nhiều điện thoại, máy tính bảng cũng ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe nên vợ chồng anh cố gắng sắp xếp, dành thời gian trò chuyện, tập thể dục cùng con, mua nhiều loại đồ chơi, sách truyện cho con ở nhà giải trí với hy vọng giúp con vượt qua mùa dịch an toàn nhất có thể.

Việc tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử gây rất nhiều tác hại cho trẻ như ảnh hưởng đến mắt, cong vẹo cột sống, chậm phát triển, thậm chí có trẻ còn bị rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, bị lôi kéo, bắt chước các hành vi theo hướng bạo lực, xâm hại từ những trang mạng “đen”...

Thực tế, đã có rất nhiều thông tin từ các nhà nghiên cứu, bác sĩ cảnh báo những tác hại khôn lường của việc cho trẻ em tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử (điện thoại, ti vi, máy tính…). Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để trẻ sử dụng các thiết bị di động trong thời gian dài sẽ tác động rất xấu đến tâm sinh lý của trẻ như: làm trẻ tăng nguy cơ béo phì lên tới hơn 30%, tăng nguy cơ mất ngủ lên 55%, suy giảm hệ thống miễn dịch do tiếp xúc với vi khuẩn trên điện thoại, gây ra các bệnh tim mạch cho trẻ, gia tăng tính bạo lực, giảm sự tập trung của trẻ…

Bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Chung, Khoa Nữ cấp và bán cấp Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Theo số liệu thống kê, năm 2020 Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã tiếp nhận khám, tư vấn và điều trị cho 1.033 trẻ em và 7 tháng đầu năm 2021 tiếp nhận, tư vấn, điều trị cho 614 lượt trẻ bị rối loạn tâm thần. Trong đó, số bệnh nhi bị rối loạn tâm thần do tiếp xúc nhiều với ti vi, điện thoại trong thời gian dài rất nhiều. Bởi trong thời gian nghỉ dịch COVID-19, trẻ em chủ yếu ở trong nhà, thiếu sân chơi nên ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho việc sử dụng Internet điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng, ti vi…

Để giúp trẻ ở nhà an toàn trong mùa dịch COVID-19, các phụ huynh cần dành thời gian trao đổi, trò chuyện, tương tác trực tiếp, hướng con em mình đến những sở thích như: hội họa, âm nhạc, rèn luyện thể dục thể thao hoặc các trò chơi vận động trong không gian nhỏ… Cha mẹ hãy đồng hành, làm bạn cùng con, trò chuyện, vui chơi với chúng để kịp thời ngăn chặn suy nghĩ, lối sống tiêu cực ảnh hưởng từ mạng xã hội của con em mình. Khi thấy trẻ có dấu hiệu lo âu, mệt mỏi, kém tập trung…, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám, hỗ trợ tư vấn.

Trần Lan


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.