Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bạo hành, xâm hại

08:21, 10/09/2024

Bạo hành, xâm hại trẻ em đang có dấu hiệu gia tăng với nhiều hình thức phức tạp, đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng, nặng nề đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em, cũng như tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Những sự việc đau lòng

Dư luận cả nước bàng hoàng và phẫn nộ trước những thông tin về việc trẻ em bị bạo hành xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP. Hồ Chí Minh) mà báo chí đã phản ánh.

Đây là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng LĐ-TB&XH quận 12 cấp phép hoạt động, có chức năng, nhiệm vụ là trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, sống lang thang.

Ngay sau khi nhận được phản ánh về tình trạng ngược đãi trẻ em xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng, lực lượng chức năng đã có mặt tại đây để xác minh, kiểm tra. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận 85 trẻ có mặt tại mái ấm, trong khi theo giấy phép, cơ sở này chỉ được nuôi không quá 39 trẻ; số nhân viên tại thời điểm kiểm tra là 15 người.

Hiện tại, lực lượng chức năng đang tạm giữ chủ cơ sở và một số bảo mẫu khác để điều tra về hành vi ngược đãi, bạo hành trẻ em. UBND quận 12 đã quyết định đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của mái ấm Hoa Hồng; lực lượng công an cũng đang điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại mái ấm này…

Cô và trò của Phòng GD-ĐT huyện Cư M'gar cùng nhau làm đồ dùng đồ chơi tại một hội thi.

Tại tỉnh Đắk Lắk, vào đầu tháng 7/2024, qua phản ánh của người dân, lực lượng chức năng của TP. Buôn Ma Thuột cũng đã kiểm tra và phát hiện một điểm giữ trẻ tự phát ở phường Tân Lợi có dấu hiệu bạo hành trẻ em.

Cụ thể, tối 9/7, một đoạn clip ngắn được đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh bốn cháu nhỏ được một phụ nữ đút cơm ăn. Lúc cho ăn, người phụ nữ nhiều lần dùng tay tát vào mặt các cháu nhỏ vì biếng ăn, ăn chậm…

Qua xác minh đã xác định người phụ nữ trong clip là bà Trịnh Thị Ng. (SN 1985, trú phường Tân Lợi) và cũng là chủ của điểm giữ trẻ tự phát này. Bà Ng. thừa nhận hằng ngày nhận giữ năm trẻ (trong đó có bốn trẻ là con cháu trong nhà và một trẻ là con của bạn mình gửi); trong quá trình chăm sóc, do có một cháu không chịu ăn nên có ép và tát vào má cháu bé. Ngày 11/7, UBND TP. Buôn Ma Thuột ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với bà Ng. với số tiền hơn 11 triệu đồng.

Cộng đồng trách nhiệm

Theo thống kê tại hội nghị tổng kết hoạt động tư vấn và hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 giai đoạn 2004 - 2024, trong vòng 20 năm qua, Tổng đài 111 đã nhận gần 6 triệu cuộc gọi đến.

Trước những con số “biết nói” và đáng báo động này, các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương đã đề ra nhiều giải pháp phòng, chống, ngăn ngừa và giảm thiểu vấn đề còn nhiều nhức nhối này.

Nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc, bảo vệ trẻ em, ngày 7/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 23/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030”. Theo đó, cả nước phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại xuống còn dưới 4,5% vào năm 2025 và xuống dưới 4% vào năm 2030; giảm tỷ lệ lao động trẻ em xuống còn dưới 4,9% vào năm 2025 và xuống dưới 4,5% vào năm 2030...

Chính phủ cũng đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: Hoàn thiện pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em; phát triển hệ thống dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em có sự lồng ghép và phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội; tăng cường truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em; vận động xã hội thực hiện các mục tiêu về trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em…

Các em học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học tham gia chương trình giao lưu "Tiếng Việt của chúng em".

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cũng đã ban hành nhiều văn bản, chương trình, kế hoạch, giải pháp đối với công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như Công văn số 7101/UBND-KGVX ngày 22/8/2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nhằm giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em.

Theo đó, UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em một cách rất cụ thể, chi tiết. Trong đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ trẻ em theo ba cấp độ; ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại; giao trách nhiệm cho tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em các cấp, nhất là ban bảo vệ trẻ em, nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã tham gia nắm bắt tình hình về trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn.

Thực hiện kịp thời, hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại; xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn trong gia đình; hướng dẫn gia đình, cơ sở giáo dục, nhà trường và trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa tình trạng cha, mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ em xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ em…

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc