Multimedia Đọc Báo in

Bình đẳng giới - nền tảng xây dựng gia đình hạnh phúc

08:17, 28/06/2024

Trong xã hội hiện đại, bình đẳng giới không chỉ là một mục tiêu xã hội mà còn là nền tảng vững chắc để xây dựng gia đình hạnh phúc.

Công bằng, cởi mở trong mối quan hệ vợ chồng

Trong gia đình, bình đẳng không phải là chia đôi mọi việc, mà là mỗi thành viên cùng có trách nhiệm, sự quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu cả về tâm tư, tình cảm, kinh tế... Bình đẳng giới là vấn đề xã hội gắn liền với cuộc sống thường ngày và cũng khó có thể đòi hỏi sự tuyệt đối, nhất là đối với từng dân tộc có những phong tục, tập quán khác nhau.

Đơn cử như với người Êđê, dấu ấn mẫu hệ biểu hiện khá sâu đậm trong quan hệ hôn nhân gia đình. Người phụ nữ giữ vị trí quyết định trong các sự việc hệ trọng trong gia đình, đàn ông “ở rể” tại nhà vợ. Điều này dễ làm xuất hiện những quan niệm cảm tính như  “ở rể không có quyền, nên không có trách nhiệm”, từ đó dẫn đến tình trạng có những người chồng chưa phát huy trách nhiệm trong chăm lo giáo dục con cái, phát triển kinh tế, gây áp lực lên đôi vai người phụ nữ.

Chị H’Der Ajun (buôn Shah A, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) luôn quan tâm đến việc học của con.

Thế nên, việc cởi mở trong mối quan hệ vợ chồng đóng vai trò vô cùng quan trọng, sẽ giúp dịch chuyển theo xu hướng cân bằng về vị trí, vai trò của vợ chồng và các thành viên trong gia đình.

Ví như câu chuyện của vợ chồng chị H’Der Ajun và anh Y Jel Niê (dân tộc Êđê, ở buôn Shah A, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar). Theo phong tục, anh Y Jel đi ở rể nhà vợ, nhưng ở thời buổi hiện nay thì suy nghĩ và tâm lý của phái nam dễ bị chi phối, không dễ dàng chấp nhận việc phụ thuộc gia đình vợ… Những khúc mắc về cuộc sống, kinh tế giữa các thành viên, các thế hệ khiến chị H’Der như bị "mắc kẹt" giữa bố mẹ đẻ và chồng. Có những thời điểm, đặc biệt là thời gian đầu cuộc sống hôn nhân có phần căng thẳng, sự khác biệt về lối sống khiến hai bên cảm thấy không phù hợp, xảy ra những khúc mắc.

May mắn, chị H’Der và anh Y Jel đã có sự cởi mở, cùng nhau trò chuyện và chia sẻ về những suy nghĩ, mong muốn của bản thân đối với người bạn đời; đó là thấu hiểu, nhường nhịn và hy sinh, biết nghĩ đến gia đình, con cái… Bản thân chị H’Der cũng dành sự tôn trọng, bình đẳng trong mọi vấn đề với chồng. Nhờ đó cả hai đã hiểu, cùng dành cho nhau sự bình đẳng cả về kinh tế, về vai vế trong cuộc sống. Đến nay, sau hơn 10 năm chung sống, chị H’Der Ajun và anh Y Jel Niê đã tìm được tiếng nói chung, vun vén và đắp xây gia đình hạnh phúc.

Nâng cao kiến thức về bình đẳng giới

Những năm qua, hoạt động truyền thông về bình đẳng giới được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cộng đồng.

Ở xã Ea Tul (huyện Cư M’gar), công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về bình đẳng giới trong gia đình, cộng đồng được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã triển khai qua nhiều hoạt động như giao lưu giữa các câu lạc bộ (CLB).

Một buổi sinh hoạt Mô hình Phụ nữ dân tộc, tôn giáo thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Bà H’Hương Niê, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Tul thông tin, trên địa bàn xã hiện nay có một số mô hình, CLB sinh hoạt thường xuyên như: “Phụ nữ khỏe đẹp, bảo tồn làn điệu Tây Nguyên”, “Không bạo lực gia đình phụ nữ và trẻ em”; mô hình “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Xây dựng gia đình an toàn, xanh - sạch - đẹp, bản sắc”… Các buổi sinh hoạt không chỉ có phụ nữ mà còn thu hút sự quan tâm, tham gia của nam giới, của những người chồng, người cha. Các cặp gia đình được giao lưu, học hỏi những kiến thức về phát triển kinh tế, trao đổi về vấn đề xây dựng gia đình hạnh phúc, lối ứng xử có văn hóa giữa các thành viên và bình đẳng giới; qua đó, tạo sự gắn kết, tình yêu thương giữa vợ chồng, con cái.

Huyện Cư M'gar cũng định kỳ tổ chức Hội thi "CLB Gia đình phát triển bền vững, tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình" tạo sân chơi bổ ích cho các CLB trên địa bàn huyện; tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc.

Bà H Huyên Ajun, Bí thư Chi bộ, thành viên CLB Gia đình phát triển bền vững buôn Drai Si (xã Ea Tar) chia sẻ: “Thông qua hội thi giúp tôi và bà con đến dự nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình, bình đẳng giới, từ đó có ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn. Mình có thể dùng những kiến thức ghi nhận được hôm nay để khi về địa phương sẽ phát huy tốt hơn nữa công tác tuyên truyền”.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.