Multimedia Đọc Báo in

Đa dạng hóa phương thức tuyên truyền bình đẳng giới

08:00, 21/12/2023

Trong quá trình triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Sinh động hình thức sân khấu hóa

Liên hoan "Các mô hình Tổ truyền thông cộng đồng gắn với tìm hiểu Luật Bình đẳng giới” năm 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh vừa tổ chức với sự tham gia của các đoàn đến từ các địa phương trong tỉnh là một trong những phương thức tuyên truyền khá hữu hiệu. Các đội thi đến từ các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã mang tới các phần thi hấp dẫn lồng ghép với kiến thức pháp luật.

Là đội có phần thi Sân khấu hóa gây ấn tượng nhất, các thành viên của tổ truyền thông cộng đồng đến từ huyện Ea Súp đã tái hiện sinh động một thực trạng buồn về nạn tảo hôn và đưa ra hướng giải quyết một cách thuyết phục, phù hợp. Anh Hùng Liên (38 tuổi, buôn Ba Na, xã Ia J’lơi, huyện Ea Súp) chia sẻ: “Hiện nay, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra âm ỉ, dai dẳng tại huyện Ea Súp nói riêng, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi nói chung. Ở phần thi này, chúng tôi mong muốn có thể lan tỏa các sáng kiến, sản phẩm truyền thông nhằm nâng cao nhận thức bình đẳng giới, qua đó giúp các đơn vị khác có thêm kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phong tục, tập quán cổ hủ đã tồn tại lâu đời”.

Phần thi sân khấu hóa của đoàn huyện Ea Súp tại Liên hoan "Các mô hình Tổ truyền thông cộng đồng gắn với tìm hiểu Luật Bình đẳng giới” năm 2023.

Có thể thấy, đến với Liên hoan "Các mô hình Tổ truyền thông cộng đồng gắn với tìm hiểu Luật Bình đẳng giới", mỗi đội thi có những cách thức trình bày khác nhau, nhưng đều chung quan điểm là quá trình thực hiện nhiệm vụ cần lưu ý đến phong tục, tập quán, thói quen, phong cách sống và quan niệm của mỗi dân tộc để có nội dung tuyên truyền phù hợp và đạt hiệu quả mong muốn.

Nêu cao vai trò của tổ truyền thông cộng đồng

Dự án 8 là một trong 10 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Qua 2 năm triển khai thực hiện, với nỗ lực của Hội LHPN các cấp cùng sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, địa phương, việc triển khai Dự án 8 đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Đặc biệt, những đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền của các tổ truyền thông cộng đồng đã giúp người dân nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới. Đến nay, toàn tỉnh đã vận động thành lập được 298/312 tổ truyền thông cộng đồng tại các địa phương thuộc vùng Dự án 8 (đạt 95% chỉ tiêu giai đoạn I).

Là thành viên của tổ truyền thông cộng đồng, chị Huynh (37 tuổi, buôn Kon Wang, xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) chia sẻ: “Khi tiến hành triển khai Dự án 8 tại địa phương, chúng tôi gặp không ít khó khăn vì ở xã Ea Yiêng, đa phần người dân đều là đồng bào DTTS, còn những hạn chế trong nhận thức, kiến thức về pháp luật. Thực trạng đó khiến chúng tôi luôn cố gắng để thực hiện nhiệm vụ một cách phù hợp, kết hợp tuyên truyền bằng hình ảnh, nội dung cụ thể; lồng ghép nội dung pháp luật trong các buổi sinh hoạt buôn để bà con dễ hiểu, dễ nắm được kiến thức pháp luật. Dù tổ truyền thông cộng đồng mới ra mắt và đi vào hoạt động mấy tháng nay nhưng đã có tác động tích cực đến nhận thức và hành động của bà con, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn và tư tưởng trọng nam khinh nữ”.

Thành viên của Tổ truyền thông cộng đồng buôn N'Drếch A (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) tới tuyên truyền tại hộ chị Nguyễn Thị Lịnh.

Bên cạnh việc tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt tập thể, các tổ truyền thông cộng đồng còn phối hợp với cán bộ địa phương tìm hiểu, nắm bắt rõ tình trạng của từng gia đình, kịp thời đưa ra cách giải quyết những vấn đề còn tồn đọng. Từ đó, đời sống của nhiều phụ nữ tại địa phương đã có sự thay đổi tích cực rõ rệt. Chị Nguyễn Thị Lịnh (33 tuổi, buôn N'Drếch A, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) bày tỏ: “Vì kinh tế khó khăn, vợ chồng tôi thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến ly thân. Nắm được tình hình, các thành viên trong tổ truyền thông cộng đồng thường xuyên tới khuyên nhủ, động viên, hướng dẫn, từ đó chồng tôi đã chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế, đến nay chúng tôi đã tháo gỡ những khúc mắc trong đời sống để cùng nhau chăm lo, vun đắp cho gia đình vẹn tròn”.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhận thức của nhiều người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi đã được nâng lên, góp phần thực hiện tốt công tác bình đẳng giới. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tô Thị Tâm cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình truyền thông điểm, tạo sức lan tỏa và đồng bộ trong xây dựng, thành lập các mô hình truyền thông cộng đồng; phát huy vai trò của các mô hình trong công tác tuyên truyền, vận động. Từ đó xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng và Nhà nước”.

Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.