Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông:

Xuất khẩu lao động - "chìa khóa" giảm nghèo bền vững

06:55, 29/11/2023

Là huyện thuần nông, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên 45% dân số, huyện Krông Bông xác định giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong các nhóm giải pháp để giảm nghèo bền vững.

Phần lớn lao động có nhu cầu XKLĐ thì kinh tế gia đình rất khó khăn, khó bảo đảm các khoản chi phí ban đầu trước khi được vay vốn ưu đãi theo quy định.

Để tháo gỡ khó khăn trên, UBND huyện tổ chức Hội nghị đánh giá công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2022, bàn giải pháp thực hiện năm 2023 với sự tham dự của lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Tiếp đó, Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 151-KH/HU về việc triển khai thực hiện Chương trình số 39-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới” trên địa bàn huyện.

Lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện, UBND xã Cư Pui trao đổi với ông Hà Thanh Tâm (thứ hai từ phải sang) ở thôn Ea Bar (xã Cư Pui) về việc xuất khẩu lao động.

Tại Hòa Sơn và Cư Pui - hai xã được chọn làm điểm về công tác XKLĐ của huyện, Đảng ủy, UBND xã nhanh chóng quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là Kế hoạch số 151 nhằm đẩy mạnh, hoàn thành mục tiêu đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2023 và những năm tiếp theo.

Ông Mai Bá Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, từ năm 2022 đến nay có 10 lao động của phương đi làm việc theo hợp đồng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia. Trong thời gian làm việc tại các nước, người lao động đã gửi tiền về cho gia đình để tiết kiệm, xây dựng nhà, đầu tư phát triển chăn nuôi. Tiêu biểu như: các lao động Y Triêm Liêng (ở buôn Ya), Nguyễn Văn Nghiêm (ở thôn 3)...

Theo điều tra năm 2023, xã có khoảng 6.600 người trong độ tuổi lao động, chiếm 61,3% dân số; trong đó hơn 4.000 lao động làm nông nghiệp tại địa phương; số còn lại làm công nhân trong và ngoài tỉnh… thu nhập thiếu ổn định. Do đó, xã phối hợp cùng các ngành, đoàn thể tăng cường truyền thông, cung cấp kịp thời, đầy đủ về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, điều kiện, ngành nghề, mức lương đi làm việc ở nước ngoài đến với người lao động; phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ được cấp phép tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động.

Kinh tế gia đình ông Lê Phước Phụ (thứ 2 từ phải sang) ở thôn 4, xã Khuê Ngọc Điền ổn định từ khi con gái sang Nhật làm việc.

Tại xã Cư Pui, chính quyền xã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dẫu chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng bước đầu đã thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về XKLĐ. Đơn cử như gia đình ông Hà Thanh Tâm (dân tộc Thái) ở thôn Ea Bar quyết định cho hai con gái: Hà Thị Vân (SN 2003), Hà Thị Phương Anh (SN 2005) sang Nhật Bản làm việc. "Sau thời gian làm việc ở Nhật Bản, ngoài số tiền tích lũy được, các con còn học được tiếng Nhật, có kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. Sang năm, nếu con trai không thi đỗ đại học, tôi tiếp tục cho nó theo hai chị đi XKLĐ", ông Tâm trò chuyện. 

Đến cuối tháng 11/2023, dư nợ cho vay XKLĐ từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt hơn 400 triệu đồng; hộ vay cao nhất là 95 triệu đồng.

Ông Nguyễn Minh Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Cư Pui khẳng định: Để thực hiện hiệu quả công tác XKLĐ, song song với đổi mới công tác tuyên truyền, tập trung vào những lao động đã đi XKLĐ trở về địa phương để bà con mắt thấy, tai nghe, xã tiếp tục đẩy mạnh lồng ghép các chương trình, chính sách giảm nghèo với chương trình vay vốn tín dụng chính sách xã hội.

Với phương châm "sâu sát, đồng hành" với từng lao động có nhu cầu XKLĐ, từ nắm bắt thông tin; tìm kiếm đơn hàng; giới thiệu công ty có chức năng XKLĐ uy tín; tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, nhất định công tác XKLĐ của địa phương sẽ có chuyển biến.

XKLĐ là cơ hội để người lao động có thu nhập cao, được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, rèn luyện ý thức, ý chí, tác phong làm việc công nghiệp ở các nước có nền kinh tế phát triển. Đây là một trong những hướng giải quyết việc làm và đào tạo nghề hiệu quả ở nông thôn.

Theo bà Đinh Trần Thị Bích Nga, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện, để đạt được mục tiêu mỗi năm có từ 30 - 40 lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng; bình quân mỗi năm tăng từ 10 - 15% như Kế hoạch Huyện ủy đề ra phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thị trường lao động ngoài nước, các chính sách ưu đãi; tăng cường đào tạo nghề, tư vấn, hướng nghiệp, thông tin việc làm; trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản để lao động chủ động lựa chọn tham gia thị trường lao động ngoài nước… đặc biệt là có cơ chế đặc thù cho lao động thuộc đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi XKLĐ theo giai đoạn, có như vậy mới tháo gỡ gánh nặng chi phí XKLĐ hiện nay.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc