Multimedia Đọc Báo in

Xem nhẹ công tác bảo đảm an toàn trên công trình đang thi công: Hậu quả khôn lường

08:11, 06/03/2023

Thực trạng mất an toàn ở các công trình đang thi công không phải là vấn đề mới, song trên thực tế thời gian qua, không ít chủ đầu tư, nhà thầu vẫn xem nhẹ công tác bảo đảm an toàn giao thông đối với công trình, dự án, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

Vụ cháu bé 10 tuổi tử vong khi rơi xuống trụ bê tông tại công trình thi công ở xã Phú Lợi (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) vào ngày 31/12/2022 khiến dư luận thêm lo ngại về công tác quản lý, bảo đảm an toàn khu vực có dự án đang xây lắp. Trước đó không lâu, vào ngày 19/12/2022, một bé gái 5 tuổi ở tỉnh Đồng Nai cũng bị bị rơi xuống hố cọc bê tông sâu 15 m tại khu vực công trường đang thi công, may mắn là lực lượng cứu hộ đã cứu được bé gái khỏi hố sâu. Đây là những sự việc khiến nhiều người lo lắng, bất an, gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác bảo đảm an toàn đối với công trình đang thi công.

Thực tế, quá trình triển khai thi công không ít nhà thầu, chủ đầu tư chưa quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn trên công trình, dự án, một số đơn vị có làm nhưng làm sơ sài, hình thức, không tuân thủ quy định, tiêu chuẩn.

Các hố gas trên công trình Cải tạo, nâng cấp đường giao thông A5 tại buôn Đung, xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột) giai đoạn 1 không được rào chắn. (Ảnh chụp lúc 10 giờ ngày 23/2/2023).

Tại Đắk Lắk, không ít lần người dân địa phương phản ánh về việc nhà thầu thi công không bảo đảm an toàn công trình. Mới đây nhất, tại Công trình Cải tạo, nâng cấp đường giao thông A5 tại buôn Đung, xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột) giai đoạn 1, nhà thầu đào xới mặt đường, thi công hệ thống thoát nước gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Tại thời điểm phóng viên ghi nhận (ngày 23/2/2023), các hố ga dọc hai bên tuyến không được che chắn, ống cống tập kết ngay trên đường không được cảnh báo an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Đáng nói, đây là công trình vừa thi công, vừa khai thác, lại nằm trong khu dân cư đông đúc, việc “quên” lắp đặt hệ thống rào chắn, biển báo nguy hiểm ở các hố gas là rất nguy hiểm.

Hay như mới đây, ngay tại vị trí công trình đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông thương tâm, khiến một thanh niên tử vong tại chỗ. Nguyên nhân vụ tai nạn đang được cơ quan chức năng điều tra, xử lý. Song qua quan sát thực tế cho thấy, việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thi công trên công trình này bộc lộ một số bất cập. Cụ thể, tại vị trí xảy ra tai nạn là điểm tiếp giáp giữa tuyến đường vừa khai thác, vừa thi công (Quốc lộ 27) với đường Đông Tây thành phố, ngoài rào chắn bằng dây nhà thầu còn bố trí thêm một dãy bê tông cứng phía sau. Đồng thời, ở đoạn bên phải tuyến theo hướng từ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột về Sân bay Buôn Ma Thuột (đoạn qua thôn 1, xã Hòa Thắng), nhà thầu cũng dùng các tấm bê tông để chắn ngang đường nhằm hạn chế phương tiện và người đi vào khu vực công trình đang thi công. Sau khi vụ tai nạn xảy ra ở vị trí tiếp giáp với Quốc lộ 27 thì các tấm bê tông này mới được di dời đến vị trí khác, hệ thống biển báo, đèn chớp nháy mới được nhà thầu lắp đặt.

Rào chắn thùng phuy thay thế rào chắn bê tông sau vụ tai nạn giao thông xảy ra tại đoạn tiếp giáp Quốc lộ 27 với đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột.

Tại Giấy phép thi công số 1957/GPTC-SGTVT ngày 24/11/2022 do Sở Giao thông vận tải cấp và Công văn số 254/SGTVT-KCHT ngày 20/2/2023 gia hạn thi công nút giao đường Đông Tây thành phố đấu nối vào Quốc lộ 27 tại Km4+300 ghi rõ: yêu cầu đơn vị thi công công trình phải bố trí đầy đủ trang thiết bị tổ chức giao thông và bố trí phòng hộ trước khu vực thi công theo tiêu chuẩn TCCS 14:2016/TCĐBVN, tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT; bố trí người cảnh giới, hướng dẫn giao thông, rào chắn, dây phản quang, vào ban đêm phải có đèn tín hiệu để đảm bảo ATGT trong suốt quá trình thi công. Không để vật liệu, phương tiện thi công gây cản trở, che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông; không để vật liệu, phương tiện song song cả hai bên đường làm thu hẹp nền, mặt đường; không để vật liệu rơi vãi, trôi dạt ra hai bên đường làm mất an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân…

Quy định là thế, song thực tế, đơn vị thi công chưa tuân thủ về hệ thống biển báo hiệu an toàn công trình. Theo phản ánh của người dân, tuyến Quốc lộ 27 có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, việc bố trí hệ thống biển báo không đầy đủ và thiếu người chỉ dẫn giao thông là cực kỳ nguy hiểm. Anh Đ.V.H. chuyên chạy Grab tại khu vực Sân bay Buôn Ma Thuột cho biết, trước thời điểm xảy ra vụ tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 27 thì ở vị trí xảy ra tai nạn chỉ có dãy bê tông cứng và hàng dây rào chắn phía trước, không hề có đèn chớp cảnh báo và người chỉ dẫn giao thông. Trời tối, cộng với không có đèn báo hiệu để nhận biết thì tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Vẫn biết, để xảy ra tai nạn ở các công trình, dự án đang thi công là lỗi của nhiều bên, trong đó không thể không nhắc đến lỗi của các nạn nhân, bởi không ít trường hợp bất chấp biển báo cấm vẫn đi vào khu vực thi công, thậm chí có trường hợp còn dỡ rào chắn, điều khiển phương phương tiện với tốc độ cao... Song nếu nhà thầu chú trọng hơn trong khâu bảo đảm an toàn công trình và chủ đầu tư giám sát chặt chẽ hơn thì sẽ hạn chế được những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.