Multimedia Đọc Báo in

Rộn ràng cau thắm trầu xanh

08:13, 04/08/2022

Chậm lại vì dịch bệnh COVID-19, năm nay, nhiều cặp đôi trên mọi miền đất nước tổ chức lễ cưới, rước dâu trong niềm hân hoan của quan viên hai họ, bạn bè. Mùa này, số đám cưới tăng cao, cùng với đó là niềm vui, hạnh phúc khôn xiết.

Ấm áp những đám cưới muộn

Sau gần 3 năm yêu nhau, Trung úy Phan Thanh Tài (Trung đoàn 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) và người yêu quyết định tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên, người yêu ở TP. Đà Nẵng, nội ngoại sinh sống ở Quảng Nam, lại thêm thời điểm dịch COVID-19, việc đi về giữa đôi bên và nhiệm vụ ở đơn vị sẵn sàng chiến đấu không cho phép Tài có nhiều thời gian. Dạm ngõ từ năm 2020 và đã lên kế hoạch cưới, nhưng cặp đôi đành phải hoãn lại. Năm nay, hai bạn mới chọn được ngày đẹp để làm lễ đính hôn và đám cưới. Anh cười vui: “Phép thử thời gian, dịch bệnh và khoảng cách giúp chúng tôi thêm thông cảm và hiểu nhau hơn, mong tình cảm dù hoàn cảnh nào vẫn trước sau như một”.

Làm nhiệm vụ trên biên giới thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, Thượng úy Y Bun Tiên H’Wing (Đồn Biên phòng Ia R’vê) đành tạm hoãn kế hoạch hôn lễ hơn một năm liền. Giữa tháng bảy mới đây, đôi uyên ương mới sánh bước bên nhau trong sự chúc phúc của nhiều khách quý.

Vợ chồng Trung úy Phan Thanh Tài trong ngày hạnh phúc. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thượng tá Nguyễn Doãn Hòa, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, hai năm bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhiều cán bộ vì thực hiện "nhiệm vụ kép" trên biên giới đành hoãn lại việc cưới xin, hoặc chỉ tổ chức lễ ra mắt nho nhỏ. Bởi vậy nên đầu năm đến nay, số cán bộ tổ chức đám cưới, tiệc mừng tăng lên. Chung niềm vui này, các cơ quan, đơn vị cố gắng tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ cùng tham gia hỗ trợ công tác tổ chức, tiếp đãi khách mời, tạo thêm món quà tinh thần ấm áp cho các cặp đôi mới…

Mùa này, tiệc báo hỉ của nhiều gia đình trở nên đặc biệt hơn bởi cùng sánh vai với cô dâu chú rể còn có thêm một thiên thần nhỏ. Dịch bệnh, đám cưới trì hoãn một vài lần, nhưng tình yêu của tuổi trẻ giúp nhiều phụ huynh, gia đình nghĩ thoáng hơn và thích ứng hơn trước tháng ngày giãn cách xã hội. Bởi vậy, chuyện cặp đôi có con trước lễ cưới trở nên dễ hiểu, dễ nhận được sự yêu mến của đôi bên.

Trở về TP. Buôn Ma Thuột sau khi dự đám cưới người em gái ở tỉnh Quảng Bình, chị Nguyễn Phương Hoa (phường Tân Tiến) vẫn lâng lâng niềm vui khó tả. Chị kể: Hai đứa em của chị yêu nhau 3 năm, đều làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, từng gửi thiệp cưới, rồi đành phải hoãn do dịch. Được bố mẹ hai bên ủng hộ, hai em vẫn về chung một nhà và có em bé. Hôm tổ chức tiệc mừng, đứa bé trong bộ váy thiên thần đã biết nói bi bô, rất đáng yêu và hạnh phúc.

Cao điểm của các dịch vụ cưới hỏi

Từ khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường phục vụ đám cưới bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Thông thường khoảng thời gian giữa năm đến tháng 10 là mùa thấp điểm của đám cưới, thế nhưng năm nay sự ảnh hưởng của dịch bệnh trước đó đã khiến nó trở thành cao điểm.

Không chỉ khách mời, mà các đơn vị, ngành nghề dịch vụ cưới hỏi như nhà hàng tiệc cưới, gia chánh đều kín lịch; tiệm ảnh, trang điểm cô dâu, trang trí nhà cửa dường như đều bị quá tải. Chủ Dịch vụ gia chánh M.T (huyện Krông Pắc) cho hay: “Mọi năm, thời điểm này chúng tôi chỉ tổ chức một vài tiệc, thậm chí còn xem như khoảng thời gian nghỉ ngơi, thế nhưng lượng tiệc năm nay tăng gấp 4 - 5 lần, có những ngày 6 tiệc, chủ yếu là tiệc cưới, phải thuê thêm khá nhiều nhân viên làm thời vụ. Mệt mà vui...".

Dịch vụ chụp ảnh cưới hỏi đắt khách trong dịp này. Ảnh: Khánh Nguyễn

Chị Ái Vân (CEO Studio Ái Vân BM, xã Ea Kao) chia sẻ thêm, dường như đây là thời điểm của ngành dịch vụ cưới hỏi, khi thích ứng với bình thường; nhiều cặp đôi quyết định tổ chức đám cưới, đám hỏi sau thời gian bị ngưng bởi dịch bệnh. Vì thế, từ đầu năm 2022 đến nay, lượng khách chụp ảnh cưới tăng mạnh, gấp đôi ba lần so với trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Anh Nguyễn Văn Khánh (TP. Buôn Ma Thuột), một thợ chụp hình hỉ sự lâu năm cho hay, lượng khách đông, đôi khi quá tải nhưng team (đội, nhóm) của anh luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, giá cả cũng không tăng so với thời gian trước đây để cùng chia sẻ khó khăn sau COVID-19 với khách hàng. Dù rằng công việc nhiều hơn sẽ vất vả hơn, nhưng đại đa số mọi người đều vui vẻ, tràn đầy hạnh phúc vì được trở lại với công việc, với cuộc sống bình thường.

Cũng từ ảnh hưởng của dịch, các đám cưới có sự thay đổi khá nhiều về hình thức. Trước đây, quy mô tiệc cưới thường lớn, đông nhưng nay lại có xu hướng giảm số lượng khách mời, chủ yếu là gia đình và bạn bè thân thiết đến dự. Về thực phẩm, khách hàng cũng chú trọng chọn thực đơn chất lượng, có lợi cho sức khỏe, dù giá cao hơn…

Dường như nhiều thứ trong cuộc sống đã thay đổi vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tình yêu vẫn vậy, vẫn đâm chồi nảy lộc bất kể hoàn cảnh. Có lẽ cũng từ đại dịch, việc tổ chức đám cưới theo hướng văn minh, đơn giản mà ấm áp cũng sẽ trở thành xu hướng, vì mọi người hiểu rằng, điều quan trọng nhất vẫn là giá trị gia đình.

Ánh Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.