Multimedia Đọc Báo in

Vui buồn với... rác

06:53, 05/06/2022

Nghề lao công – một công việc lặng thầm nhưng chứa bao cung bậc cảm xúc, vui buồn với... rác. Chấp nhận làm nghề là họ không thể ôm ấp con thơ đang say giấc nồng, không có một giấc ngủ đúng bữa như bao người khác; chịu vất vả kèm hiểm nguy rình rập, để làm đẹp cho phố phường với mức lương ít ỏi chỉ vì hai chữ “mưu sinh”.

Theo thống kê của Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk và Công ty TNHH Môi trường Đông Phương, mỗi ngày trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột xử lý hơn 350 tấn rác thải. Trong khi đó, chỉ có khoảng 175 công nhân thực hiện công việc này. Tức trung bình mỗi lao công phải khổ cực quét dọn, thu gom hàng tấn rác mỗi ngày.

Công việc lặng thầm

1 giờ sáng, thời điểm đêm khuya vắng lặng, khi mọi người đang say giấc nồng là lúc những chiếc chổi tre xào xạc của người lao công vang lên để bắt đầu công việc của mình.

Theo chân chị L.T.L. (công nhân của Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk) mới thấu hiểu được công việc đầy vất vả này. Công việc của chị bắt đầu từ 1 giờ sáng và kết thúc sớm nhất lúc 7 giờ. Hơn 10 năm qua, chị vẫn một mình trong bóng đêm, lặng lẽ với cây chổi dài lê thê trên mặt đất quét trên quãng đường dài hàng chục cây số, rồi đẩy từng xe rác nặng trĩu. Vừa quét rác chị vừa kể: "Ngày thường dọn từng đống rác qua  mấy cây số đã mệt mệt lử người. Những hôm mưa bão, cành cây, lá đổ đầy đường thì công việc càng cơ cực hơn gấp bội". Hay những lần mất điện toàn thành phố, con đường tối đen như mực, một mình chị chỉ biết dựa vào ánh đèn pin mập mờ trong sương để mò mẫm từng đống rác, quét sạch từng ngóc ngách phố phường. Đến mùa hoa sữa, hoa sao rụng khắp đường, dày cộm, chị chỉ biết cầm chổi đứng ngơ ngác, nước mắt rưng rưng vì không biết nên quét từ đâu. Những ngày ấy, chị phải đi làm sớm hơn vài tiếng để tới sáng kịp hoàn thành xong công việc, trả lại vẻ đẹp, sạch sẽ của thành phố vào sáng hôm sau.

Ca đêm kéo dài trong suốt 6 - 7 tiếng, chị L.T.L. (công nhân của Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk) vẫn không ngơi nghỉ cho đến khi con đường do chị đảm nhận trở nên sạch sẽ.

Chị L. trải lòng, đã gắn bó với cái nghề này thì đành chấp nhận không có ngày lễ, Tết trọn vẹn. Nhiều lúc nhìn gia đình người ta cùng dắt díu nhau đón giao thừa, xem pháo hoa, sum họp bên mâm cỗ cúng đầu năm, chị lại ứa nước mắt khi nghĩ về đứa con thơ. Nhà cửa ai cũng tinh tươm, còn nhà mình thì chưa sửa soạn gì cho ra hồn. Đã vậy, ngày lễ, Tết, rác thải có phần nhiều hơn ngày thường nên những người lao công như chị phải nhọc sức nhiều hơn. Cũng có lúc chị thèm cái cảm giác được tươm tất, thơm tho đi chúc Tết, nhưng sau một đêm dài đằng đẵng với công việc, về tới nhà, chị rã rời nằm ngủ cho lại sức, thế nên chẳng mấy chốc đã trôi qua những ngày Tết ngắn ngủi.

Hiểm nguy rình rập

Đêm khuya vắng vẻ, những người phụ nữ làm công việc quét rác này đã trải qua, đối mặt nhiều chuyện hiểm nguy. Mới bắt đầu công việc được 5 tháng nhưng chị P.T.H. (công nhân của Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk) đã bàng hoàng khi phát hiện một bà cụ 68 tuổi bị xâm hại. Chị nhớ lại, lúc đó vào khoảng 3 giờ 30 sáng 12/5, khi đang quét rác trên đường Lê Duẩn (phường Ea Tam) thì hoảng hốt phát hiện ngay giữa con hẻm vắng, một cụ bà nằm bất động, thoi thóp, đầu chảy rất nhiều máu. Lúc đó tay chân chị như rụng rời, vội hô hoán người dân đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu (sau này mới biết cụ bà bị một thanh niên xâm hại). Đến bây giờ, mỗi tối đi làm, nghĩ đến cảnh mình từng chứng kiến là nỗi sợ lại ùa về lạnh cả sống lưng. "Mỗi công việc có nỗi gian khó riêng, dẫu là công việc trong đêm khuya, nguy hiểm luôn rình rập nhưng tôi vẫn chấp nhận vì cuộc sống mưu sinh, vì niềm vui sau mỗi lần dọn rác thì thành phố lại trở nên sạch đẹp" - chị H. chia sẻ.

1 giờ sáng, chị P.T.H. (công nhân của Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk) đẩy xe rác bắt đầu công việc của mỉnh.

Hơn 10 năm lăn lội với công việc để mưu sinh, chị L.T.L. cũng đã trải qua nhiều mối nguy hiểm rình rập. Chị kể, do tính chất công việc nên chị phải để xe máy vào mép đường khi làm việc. Có hôm chị mải làm việc nên cách chiếc xe một đoạn xa. Lợi dụng cơ hội đó, một nhóm trộm có ý đồ thực hiện bẻ khóa trộm xe thì bị chị phát hiện. Lúc đấy, một thân một mình nên chị cũng hơi sợ, nhưng nghĩ cảnh gia đình mình còn mỗi chiếc xe để đi làm, đưa đón con cái nên chị đánh liều vừa la lớn, vừa cầm chổi chạy đến đánh tới tấp khiến bọn trộm hoảng sợ bỏ chạy. Từ đó chiếc chổi không chỉ là dụng cụ để làm việc mà đã trở thành "vũ khí" tự vệ của chị. Cũng có lần, chị đang vào con hẻm nhỏ để nhặt rác thì phát hiện “yêu râu xanh” bám đuôi. Nhờ từng trải qua những lần gặp trộm cướp nên chị đã dũng cảm cầm chổi “tung chiêu” khiến đối tượng chạy khiếp vía.

“Mỗi lần nhớ lại, tôi lại thấy bật cười vì không ngờ từ ngày làm công việc này mình lại trở nên mạnh mẽ và dũng cảm như vậy", chị L. tâm sự thêm.

Vất vả, hiểm nguy là thế nhưng những người làm nghề lao công vẫn ngày đêm miệt mài với công việc. Từng con phố đã trở nên sạch đẹp nhờ có họ, và đằng sau đó là biết bao kỷ niệm vui buồn, sự cống hiến thầm lặng cũng như những thiệt thòi khó nói thành lời...

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc