Multimedia Đọc Báo in

Hãy "tử tế" với môi trường

06:44, 05/06/2022

Những chiếc ly, chai nhựa dùng một lần dần được thay thế bằng ly giấy, chiếc bình, chai thủy tinh; chị em phụ nữ dùng làn nhựa để đi chợ thay túi ni lông; hay việc trồng thêm cây xanh, sử dụng nước tiết kiệm… những chuyện dường như rất nhỏ nhưng đã bắt đầu có sức lan tỏa lớn, hướng tới bảo vệ môi trường bền vững.

Chủ động chống rác thải nhựa

Cuối năm 2018, UBND tỉnh phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái. Đến tháng 8/2019, trong Công văn số 6629/UBND-NNMT, ngày 15/8/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai các hoạt động hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc không sử dụng túi ni lông, nước uống đóng chai nhựa, ống hút, khăn lau và các vật dụng bằng nhựa dùng một lần trong công sở và khi tổ chức các hội nghị, mít tinh, hội thảo, tiếp khách. Thay vào đó là chuyển đổi sang tự đun nấu nước hoặc dùng các vật dụng tái sử dụng nhiều lần, các sản phẩm thân thiện môi trường như: cốc giấy, thủy tinh, ống hút bằng tre...

Ly, chai thủy tinh được dùng thay thế nước đóng chai nhựa trong một hoạt động tại Trường THCS Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột).

Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai, hầu hết các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đồng tình hưởng ứng thực hiện và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cộng đồng dân cư. Hơn thế nữa, ở nhiều địa phương đã ký cam kết thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trong các hoạt động; không thanh toán các khoản chi cho các loại nước uống đóng chai có thể tích 500 ml trở xuống; hạn chế tối đa và tích cực tái sử dụng các loại bì, hộp nhựa đựng tài liệu; đặc biệt, việc thực hiện phong trào này sẽ trở thành tiêu chí để đánh giá, xếp loại thi đua cuối năm...

Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, nhiều chương trình, hoạt động đã được thực hiện và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh như mô hình trao tặng hộp, làn nhựa cho hội viên phụ nữ để giảm thiểu tối đa việc sử dụng túi ni lông đựng thực phẩm, hàng hóa khi đi chợ; phong trào thu gom rác thải tái chế để gây quỹ hỗ trợ phụ nữ khó khăn; tái chế rác thải nhựa để làm vật dụng phục vụ việc dạy và học; đổi rác thải lấy quà tặng là sách, rau sạch, cây xanh…

Phủ xanh đất trống

Hằng năm, chương trình trồng rừng, trồng cây phân tán đã được các cấp, ngành, địa phương và nhân dân quan tâm triển khai, hưởng ứng tích cực, mạnh mẽ. Đơn cử như từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt triển khai phong trào trồng cây, trồng rừng. Trong đó, phải kể đến các đơn vị trực thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai trồng mới 7.000 cây xanh trong “Ngày hội trồng cây” nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh , chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk . Hay như hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2022, huyện Cư Kuin đã tổ chức trồng 800 cây xanh dọc khu vực cầu Chăn Nuôi đến trụ sở UBND xã Cư Êwi. Được biết, bình quân mỗi năm toàn huyện trồng mới gần 50.000 cây xanh phân tán, 45 ha rừng trồng các loại; riêng trong năm 2022, huyện Cư Kuin phấn đấu thực hiện trồng 45,6 ha rừng và 9.600 cây xanh phân tán…

Học sinh Trường THCS Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) tham gia ngày hội vẽ tranh bảo vệ môi trường.

Đối với TP. Buôn Ma Thuột, hằng năm cũng luôn chú trọng việc trồng cây xanh; góp phần nâng tỷ lệ cây xanh nội thành đến hết năm 2021 đạt 8,11 m2/người và toàn thành phố là 17,12 m2/người, đưa TP. Buôn Ma Thuột trở thành một trong 10 thành phố xanh - sạch - đẹp nhất của cả nước. Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật, việc trồng thêm cây xanh sẽ góp phần khắc phục sự tàn phá, khai thác rừng bừa bãi, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt; trồng thêm cây xanh sẽ góp phần tạo ra một tiềm năng của cải vật chất to lớn cho đời sống của mỗi gia đình và xã hội. Để xây dựng “thành phố xanh” không chỉ ở đường phố, công viên, mà còn tại các thôn, buôn, ngõ, xóm… với phương châm “người người trồng cây, nhà nhà trồng cây”; trồng cây gắn với quy hoạch phát triển đô thị, trồng cây gắn với xây dựng nông thôn mới, cải thiện môi trường sinh thái, tạo cảnh quan nông thôn, đô thị ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.

 

Theo Quyết định số 1237/QĐ-UBND, ngày 24/5/2021 của UBND tỉnh về kế hoạch trồng rừng và trồng cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu trồng được 10.085 ha rừng (tương đương trên 15.353.000 cây); trong đó: trồng cây xanh phân tán là 1.000 ha (1 triệu cây), rừng phòng hộ, đặc dụng 365 ha, rừng sản xuất 8.720 ha (trên 14.362.000 cây). Như vậy, bình quân mỗi năm sẽ trồng 200.000 cây phân tán và 2.870.700 cây rừng.

Hay như chương trình tái sinh rừng bằng phương pháp “bom hạt giống” do những nhóm bạn trẻ yêu thiên nhiên và môi trường thực hiện từ 2 năm nay đã thu hút sự tham gia và lan tỏa trong cộng đồng. Với phương pháp gieo trồng bằng hạt giống được bọc trong vật liệu đất, những hạt cây giống được cho vào giữa hỗn hợp đất sét trộn với phân bón, nước rồi vo tròn lại “ném” vào những khu đất rừng trống để dần phủ xanh đất trống, đồi trọc mà không phải tốn nhiều chi phí. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều cánh rừng đang suy kiệt, cần nâng cao độ che phủ như hiện nay thì phương pháp “bom hạt giống” là một cách làm hay, ý nghĩa đã và đang được nhiều ban, ngành, cộng đồng ủng hộ.

Hình thành lối “sống xanh”

“Sống xanh” bắt nguồn từ những hành động nhỏ mỗi ngày, đó đơn giản là tiết kiệm nguồn nước, tắt thiết bị điện không cần thiết khi ra khỏi nhà, lựa chọn phương tiện di chuyển, phương thức mua sắm, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn… Thời gian qua, việc thay đổi nhận thức, thói quen sinh hoạt thường ngày, hình thành lối “sống xanh” - lối sống thân thiện với môi trường đang được nhân rộng, lan tỏa trong cộng đồng.

Đó là những cuộc thi vẽ tranh về chủ đề môi trường trong các trường học. Cụ thể mới đây, Trường THCS Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) đã tổ chức Ngày hội vẽ tranh về chủ đề nước sạch và vệ sinh môi trường. Ngày hội đã thu hút đông đảo học sinh toàn trường tham gia với nhiều nội dung phong phú, như: Ước mơ được sống trong môi trường trong lành; những hành động để bảo vệ môi trường, tài nguyên nước; phản ánh môi trường sống bị ô nhiễm bởi rác thải… Mỗi bức tranh của các em học sinh được vẽ nên không chỉ bằng ngòi bút, trí tưởng tượng mà hơn hết đó là những hình ảnh chân thực diễn ra trong đời sống hằng ngày; là sự hiểu biết, hành động, mơ ước về một môi trường sống xanh. Thầy Phan Ngọc Lĩnh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, ngày hội nhằm khuyến khích các em – những chủ nhân tương lai của đất nước có những suy nghĩ nghiêm túc về việc bảo vệ môi trường; đồng thời, hy vọng qua thông điệp mà các em gửi gắm trong những tác phẩm của mình sẽ tuyên truyền sâu rộng đến gia đình, cộng đồng dân cư cùng chung tay hành động vì môi trường.

Người dân sử dụng sản phẩm túi thân thiện với môi trường khi đi mua sắm.

Hay như những công trình “Bích họa đường phố” đã và đang góp phần bảo vệ môi trường, xóa các "điểm đen" về rác thải, xóa biển rao vặt, quảng cáo, lan tỏa tình yêu thiên nhiên và môi trường cho nhân dân không chỉ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột mà còn ở các huyện, xã vùng sâu, vùng xa. Trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều những đoạn đường bích họa độc đáo, đẹp mắt như đường Phan Đình Giót, đường buôn Tơng Jú - xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), đường Lê Hữu Trác (huyện Cư M'gar) hay đường Nguyễn Tất Thành (huyện Krông Bông)…

Có thể nói, cùng với nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường thì “sống xanh” được coi là hành vi ứng xử với môi trường sống một cách văn minh; nó không phải là một chiến dịch rầm rộ mà được thể hiện qua cách sinh hoạt hằng ngày và hành động nhỏ của mỗi người.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.