Multimedia Đọc Báo in

Nơm nớp nỗi lo cây xanh gãy đổ

08:00, 13/06/2022

Mới đầu mùa mưa, nhưng tại nhiều tuyến đường của TP. Buôn Ma Thuột đã xảy ra không ít trường hợp cây xanh bị gãy đổ, đè lên phương tiện giao thông gây thiệt hại về tài sản, khiến người dân bất an.

Hiểm họa trên đường

Trong cơn mưa lớn kèm gió mạnh vào chiều 2/6, một chiếc xe tải đang lưu thông trên đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn qua địa bàn phường Tân Lập) thì bất ngờ bị một cây sấu (trồng chừng 7 năm tuổi) bên đường bật gốc đổ đè lên phần đầu xe gây vỡ kính chắn gió, móp nóc cabin. Rất may vụ việc không thiệt hại về người nhưng khiến giao thông tại đây bị tắc nhiều giờ liền.

Rạng sáng hôm sau (ngày 3/6), tại đường Lý Thường Kiệt (đoạn giao với đường Nguyễn Công Trứ), một chiếc ô tô 7 chỗ của người dân đậu bên đường cũng đã bị cành cây xanh (đường kính khoảng 15 cm) gãy rơi trúng đuôi xe. Hậu quả chiếc ô tô bị vỡ kính sau, bong một phần cản sau.

Cây sấu bật gốc đè lên xe tải đang lưu thông trên đường Nguyễn Văn Cừ chiều 2/6.

Trước đó, vào cuối tháng 5/2022, sau trận mưa lớn, một cây xanh trên vỉa hè đường Y Bih Alêô đã bị bật gốc đổ xuống đường, làm đứt dây điện, gây mất điện nhiều hộ trong khu vực.

Theo ghi nhận, hiện nay tại một số tuyến đường như: Lý Thường Kiệt, Y Bih Alêô, Trần Phú, Mai Hắc Đế… có nhiều cây cổ thụ với độ nghiêng khá lớn, phần rễ trồi lên mặt đất, cành nhánh xum xuê, nặng tán, một số cành khô trên cây chưa được cắt tỉa, tiềm ẩn mối nguy cho người đi đường.

Anh Lê Bá Hưởng, trú phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Mỗi khi trời mưa, lưu thông dưới những tán cây lớn, xum xuê tôi luôn nơm nớp, sợ cây gãy cành, bật gốc thì hiểm họa khó lường. Hiện nay, trên địa bàn thường xuất hiện những cơn mưa dông lớn bất ngờ nên việc rà soát, kiểm tra, xử lý các cây cổ thụ bị sâu bệnh, có nguy cơ gãy đổ để đảm bảo an toàn là việc làm cấp thiết”.

Ông Bùi Văn Quý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk cho biết, hiện đơn vị đang được UBND TP. Buôn Ma Thuột đặt hàng quản lý, chăm sóc trên 22.700 cây xanh đường phố và khu vực công cộng. Tuy nhiên, không phải tất cả cây xanh đều đạt độ an toàn, nhất là với những diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết hằng năm. Thực tế, việc cây xanh gãy, đổ, đè trúng người, phương tiện tham gia giao vẫn có xảy ra. Từ đầu mùa mưa (khoảng cuối tháng 4) đến nay, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột ghi nhận có 8 cây xanh đô thị bị bật gốc đổ xuống đường và 15 cây bị gãy cành lớn. Rất may chưa gây thiệt hại về người.

Cần siết chặt trách nhiệm

Trước thực tế năm nào cũng xảy ra những sự cố đáng tiếc liên quan đến gãy, đổ cây xanh, nhiều người dân băn khoăn về các quy định hiện hành khi không may có sự cố xảy ra, bày tỏ mong muốn cần siết chặt trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan để hạn chế thấp nhất các tai nạn liên quan đến cây xanh.

Theo Điều 11, Nghị định 64/2010/NĐ về quản lý cây xanh đô thị, cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. Đơn vị quản lý cây xanh có trách nhiệm kiểm tra, xử lý cây xanh do đơn vị quản lý; nếu không làm tròn chức năng, khi xảy ra sự cố phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại do cây gãy, đổ gây ra.

Nhân viên Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk kiểm tra cây xanh để thực hiện việc cắt tỉa.

Nói về những sự cố gãy, đổ cây xanh, ông Bùi Văn Quý cho biết, hiện tại nhiều tuyến đường nội thị có trồng cây sao với tán rất lớn. Mùa mưa cũng là thời điểm cây bung hoa, khi gặp nước những chùm hoa sẽ tích lại, rất nặng, dễ gây gãy cành. Một số loại cây như xà cừ, hoa sữa, sấu… có bộ rễ thuộc dạng đuôi chuột, gặp mưa dầm rất hay bị bật gốc. Việc đánh giá những dấu hiệu nguy hiểm của cây rất khó vì cây trong đô thị nhìn thấy bình thường, lá vẫn xanh nhưng bên trong nhiều khi đã mục ruỗng, có thể bật gốc khi gặp mưa, gió…

Cũng theo ông Quý, thực hiện kế hoạch hằng năm, đơn vị đã phối hợp với Phòng Quản lý đô thị thành phố thường xuyên kiểm tra, rà roát nhằm phát hiện các trường hợp xâm hại cây xanh, hoặc cây có dấu hiệu hư hại, mất an toàn để kịp thời xử lý. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã cắt tỉa, tạo tán cho 150 cây xanh có nguy cơ gãy đổ, hoặc ảnh hưởng đến hành lang an toàn lưới điện và tiến hành cắt chồi, cành khô… trên 4.000 cây xanh đô thị. Tuy nhiên, nhiều tuyến phố có cây cổ thụ với tán cao, xe thang chuyên dụng của đơn vị khó với tới nơi nên việc cắt, tỉa cành vẫn còn bị bỏ sót. Khi xảy ra sự cố cây xanh, Công ty bố trí lực lượng có mặt kịp thời để khắc phục. Đối với những thiệt hại về tài sản, sức khỏe người dân, tùy trường hợp cụ thể công ty sẽ có mức hỗ trợ phù hợp.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 584, Bộ luật Dân sự năm 2015, về nguyên tắc, cây xanh ngã, đổ gây thiệt hại cho người và tài sản thì chủ sở hữu hoặc đơn vị được giao trực tiếp quản lý, chăm sóc cây xanh đó phải chịu trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, cũng phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Nếu người/đơn vị đang là chủ sở hữu hoặc trực tiếp quản lý, chăm sóc cây xanh đã thực hiện chăm sóc cây xanh đúng theo quy định của pháp luật và nguyên nhân cây xanh bị ngã đổ là do khách quan không lường trước được, bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường (theo quy định tại khoản 2, Điều 584, Bộ luật Dân sự năm 2015). Trường hợp cây xanh ngã đổ gây thiệt hại về tài sản, thương tích cho con người không phải lý do bất khả kháng hay lỗi của nạn nhân thì người đó sẽ được bồi thường theo quy định. Mức bồi thường sẽ căn cứ theo mức độ thiệt hại cụ thể của từng trường hợp.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.