Multimedia Đọc Báo in

Mạng xã hội: Đâu chỉ là thách thức đối với báo chí

06:15, 21/06/2022

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội (MXH) đã tạo ra nhiều thách thức cho người làm báo. Tuy nhiên, nhiều đơn vị báo chí hiện nay đã xem MXH như là công cụ hỗ trợ đắc lực để khai thác nguồn tin, truyền tải thông tin đến độc giả…

Nguồn thông tin phong phú

Theo số liệu thống kê của Digital, năm 2021, số người sử dụng MXH ở Việt Nam là hơn 72 triệu người (tương đương 73,7% dân số). Mỗi ngày, người dùng Việt Nam dành tới gần 7 giờ để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet. Và Việt Nam đã nằm trong số các quốc gia có số lượng người dùng MXH cao nhất trên toàn thế giới.

Với xu thế đó, tham gia MXH vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với người làm báo, vì MXH là một môi trường truyền thông có thông tin đa dạng, phong phú nhưng cũng rất hỗn tạp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ quan báo chí đang thực hiện những chiến lược khai thác MXH để giúp báo chí quảng bá hình ảnh, thương hiệu, đưa thông tin đến với hàng tỷ người trong cộng đồng mạng. Các báo điện tử hiện nay hầu như đều được trang bị những ứng dụng để tự động cho phép cập nhật những bài báo lên các MXH để tăng số lượt người truy cập của các tờ báo.

Theo PGS.TS. Đinh Thị Thu Hằng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), MXH vừa là đối tác, trợ thủ, vừa là đối thủ của báo chí. Với nhà báo, MXH không chỉ để trao đổi thông tin thông thường mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc tìm kiếm, kiểm chứng, chia sẻ thông tin nghề nghiệp. Đi cùng với những ưu việt là những mối đe dọa, thách thức về chạy đua thời gian, cường độ lao động, kiểm chứng thông tin, xử lý và sử dụng thông tin…

Lớp tập huấn nghiệp vụ về báo chí hiện đại, báo chí đa phương tiện cho phóng viên, biên tập viên do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Bình Định.

Nói về việc tận dụng MXH trong khai thác thông tin, nhiều phóng viên cho biết, nếu trước kia, có những vụ việc cần phải đi thực tế tìm hiểu để có nguồn tin nên mất khá nhiều thời gian và công sức thì nay họ có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin trên MXH. Ví dụ như tình trạng nhiều hộ gia đình ở TP. Buôn Ma Thuột tiền nước sinh hoạt tăng đột biến trong tháng (trong năm 2021), thay vì phải đi lân la các hộ để hỏi thông tin thì phóng viên chỉ cần hỏi trong group (nhóm) trên MXH hoặc đăng hỏi trên Facebook… thì đã có một loạt thông tin. Lúc đó, phóng viên chọn lọc và đi đến một số hộ gia đình để tìm hiểu thêm.

 

Theo Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành, nhà báo sử dụng tài khoản MXH cá nhân để tương tác, chia sẻ, đăng tải thông tin có ích cho xã hội và đất nước; đăng tải bình luận, ý kiến nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm; thông báo cho cơ quan có thẩm quyền những thông tin sai sự thật bị phát tán trên MXH có ảnh hưởng xấu; khai thác có kiểm chứng, có chọn lọc thông tin về những vấn đề mới của xã hội...

Không chỉ trang cá nhân, nhiều group chuyên ngành cũng được tạo ra trên Facebook như về cà phê, mắc ca, chăn nuôi heo... hoặc là các group chuyên cung cấp các thông tin siêu nhanh về những sự cố như tai nạn giao thông, cháy nổ, thiên tai…; hay chính người dùng MXH đã chủ động liên hệ, cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng cho các nhà báo. Đó là nguồn tin vô cùng phong phú và quý giá cho người làm báo.

Cần phải chắt lọc và kiểm chứng

Thực tế đã cho thấy, MXH là một trong những nguồn tin phong phú cho báo chí, nhưng đó là những nguồn thông tin hỗn tạp. Với MXH, mỗi chủ tài khoản có thể là một “nhà báo”, nhà xuất bản tin tức. Mặc dù những tin tức này được truyền tải một cách rất đơn giản nhưng nó đáp ứng được tiêu chí nhanh, thỏa mãn được nhu cầu tiếp cận thông tin tức thời của bạn đọc. Tuy nhiên, những thông tin xấu, thất thiệt trên MXH thường gây tò mò và chú ý, cách đưa tin giật gân và cường độ xuất hiện liên tục cũng là một yếu tố gây tác động tiêu cực tới xã hội. Bởi vậy, người làm báo cần biết cách phân biệt loại bỏ những thông tin xấu trên MXH và có những định hướng, chia sẻ thông tin tốt, hình ảnh và câu chuyện đẹp, qua đó giúp định hướng dư luận, loại bỏ những bất cập đến từ các luồng thông tin chưa được kiểm chứng chính xác và thiếu tính định hướng phù hợp trong cộng đồng.

Theo PGS.TS. Đinh Thị Thu Hằng, sự "bắt tay" của báo chí và MXH góp phần giúp cơ quan báo chí tiếp cận được nhiều nguồn thông tin; làm thay đổi hoàn toàn cách thức truyền tải thông tin, tương tác với bạn đọc. Tuy nhiên, người làm báo phải biết chắt lọc và kiểm chứng thông tin trên MXH trước khi đưa lên mặt báo. Điều này đòi hỏi người làm báo phải có kỹ năng, nghiệp vụ và các điều kiện cần thiết để kiểm chứng thông tin đó là thật hay giả. Báo chí khó có thể cạnh tranh với MXH về tốc độ đưa tin nhưng chắc chắn sẽ vượt trội MXH về độ chính xác, tính trách nhiệm, sự chuẩn mực và đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.