Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ danh tính của bệnh nhân COVID-19

11:10, 03/10/2021

Thời gian qua, cùng với các kênh truyền thông chính thống, các mạng xã hội đã tham gia tích cực vào việc thông tin, tuyên truyền về công cuộc phòng, chống dịch COVID-19.

Một trong những việc làm đó là cập nhật thông tin về các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, khu vực người nhiễm bệnh cư trú để người dân biết mà chủ động đề phòng, tránh bị lây nhiễm.

Tuy nhiên, có không ít người vì “nhiệt tình” quá mức mà đưa lên trang cá nhân của mình đầy đủ danh tính của bệnh nhân, địa chỉ và lịch trình di chuyển. Khi bạn bè, đồng nghiệp nhắc nhở không nên nêu chi tiết quá thì họ giải thích là “cần phải minh bạch thông tin”. Phải đến khi cơ quan chức năng nhắc nhở, yêu cầu rút lại thông tin thì họ mới chịu rút.

Người bị nhiễm bệnh COVID-19 là sự rủi ro cho chính bản thân và gia đình họ, rất cần được cảm thông và chia sẻ. Tuy vậy trong dư luận vẫn có thái độ kỳ thị, cho rằng họ là nguyên nhân gây phiền phức, thiệt hại cho hàng xóm, cộng đồng dân cư trong khu vực.

Việc nêu danh tính người bị nhiễm bệnh COVID-19 trên mạng xã hội dễ dẫn đến những suy diễn bất lợi cho người bệnh và gia đình họ, ảnh hưởng tiêu cực đến việc điều trị của bệnh nhân cũng như đời sống của cả gia đình. Cho nên việc công khai danh tính của người bị nhiễm COVID-19 để bảo đảm “minh bạch thông tin” là việc làm “lợi bất cập hại”.

Theo quy định của ngành y tế, họ tên bệnh nhân COVID-19 khi công bố không được viết rõ mà chỉ được viết tắt, không nêu lịch trình di chuyển mà chỉ cảnh báo các địa điểm có nguy cơ dịch tễ.

1
Họ tên bệnh nhân COVID-19 khi công bố  đã được Sở Y tế Đắk Lắk viết tắt.

Không chỉ với bệnh COVID-19 mà với các bệnh truyền nhiễm, bệnh tật nói chung pháp luật cũng đã có quy định rất rõ ràng. Cụ thể: Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: “Bệnh nhân có quyền được giữ bí mật thông tin tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án”; tại Điều 33 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định: “Thầy thuốc và nhân viên y tế có trách nhiệm giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh”. Ngoài ra, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định: “1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.

Do vậy, việc công khai tên tuổi, hình ảnh… của một cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người đó là vi phạm pháp luật. Những ai muốn “minh bạch thông tin” cần hết sức thận trọng khi sự “minh bạch” này xâm phạm đến nhân thân người khác.

Ngọc Quyên


Ý kiến bạn đọc