Multimedia Đọc Báo in

Nạn tảo hôn và những hệ lụy

06:33, 03/10/2021

Những năm qua, mặc dù các ngành chức năng đã đẩy mạnh truyền thông, vận động, triển khai và nhân rộng các mô hình nhằm thay đổi hành vi để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số, song trên thực tế, tình trạng này vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương và để lại không ít hệ lụy.

Những bà mẹ ở tuổi vị thành niên

Mới 16 tuổi nhưng H’Nh. Ê.b. (ở buôn Yăng Bông, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) đã lấy chồng và đang mang thai con đầu lòng tháng thứ 8. Chồng H’Nh. ít hơn em 1 tuổi, hằng ngày theo bố mẹ đi làm thuê làm mướn để lấy tiền trang trải cuộc sống. Dù đã chuẩn bị làm cha, làm mẹ, nhưng đôi vợ chồng đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” này vẫn chưa có một chút kiến thức nào về chăm sóc trẻ sơ sinh. Cả gia đình gần 10 người hiện vẫn đang ở trong căn nhà tuềnh toàng, trống trải.

H’Nh. kể: “Em nghỉ học từ khi học lớp 2, ở nhà phụ giúp người thân làm nương rẫy. Tháng 4-2020, em lấy chồng và chuyển về ở chung với nhà chồng. Giờ em mang thai đã sắp sinh nên mọi khoản chi tiêu đều trông chờ vào tiền chồng em đi làm thuê, ngày nào có việc thì được trả công khoảng 300 nghìn đồng. Số tiền ấy ngoài trang trải cuộc sống, em dành dụm để đến lúc sinh con. Hiện tại, em chưa chuẩn bị được gì cho đứa con sắp chào đời, một phần vì không có tiền, phần khác là do không biết phải chuẩn bị gì cả. Em cũng chưa biết tới đây sẽ nuôi con bằng gì khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, chồng không có việc làm”. 

Hằng ngày, S.L. H'Đ. (buôn Yăng Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) ở nhà vừa lo việc nhà, vừa chăm con và trông em.

Tương tự H’Nh., năm nay S.L. H’Đ. (ở buôn Yang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) mới gần 17 tuổi nhưng đã là mẹ của đứa trẻ 5 tháng tuổi. Nhà có 7 chị em, cuộc sống khó khăn, nên khi học xong lớp 8, S.L. nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ lo cho gia đình. Năm 2020, S.L. lấy chồng là bạn cùng tuổi, cùng buôn. Chưa qua thời thiếu nữ em đã sớm trở thành mẹ với bao nỗi lo toan. Nhà đông người, 6 đứa em thì 3 đứa đi học, 3 đứa đang còn nhỏ, đứa nhỏ nhất mới 6 tháng tuổi nên hằng ngày, bố mẹ và chồng đi làm nương rẫy, còn S.L. ở nhà vừa lo cơm nước, vừa chăm con vừa trông các em. S.L. tâm sự: "Nhiều lúc nhìn các bạn đi học, đi chơi, trong khi mình bận bịu con mọn, em cũng thấy hơi tủi thân, nhưng vì mình đã chọn lựa lấy chồng, sinh con thì phải lo toan cuộc sống, chứ không thể quay trở lại đi học được nữa”.

Tảo hôn – con số báo động

Không chỉ có H’Nh. Ê.b, S.L. H’Đ., nạn tảo hôn vẫn thường xuyên xảy ra ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn. Anh Đỗ Văn Tuyến, cộng tác viên dân số xã Krông Na cho biết, trên địa bàn xã có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 75%. Đa số đồng bào dân tộc thiểu số đều có tập quán muốn sinh đông con và cho con lập gia đình sớm để phụ giúp việc nương rẫy. Bên cạnh đó, nhiều trẻ em nghỉ học sớm, ở nhà đi làm rồi yêu sớm, mang thai ngoài ý muốn nên phải cưới gả. Chỉ tính từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn xã đã có 15 trường hợp tảo hôn, hầu hết đều ở độ tuổi 16 – 17, phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn đều có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Đỗ Văn Tuyến, cán bộ chuyên trách dân số xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không cho con cái tảo hôn.

Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay toàn tỉnh có trên 3.000 trường hợp tảo hôn, trong đó chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay đã có 361 trường hợp, tập trung nhiều nhất là ở các huyện Buôn Đôn, Krông Bông, Lắk, Ea Súp, M’Drắk… So với những năm trước thì tình trạng tảo hôn những năm gần đây có giảm nhưng hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân không tảo hôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân còn hạn chế, vẫn có tư tưởng lấy vợ, lấy chồng sớm để có thêm lao động. Bên cạnh đó, nhiều gia đình kinh tế khó khăn, con cái phải nghỉ học sớm cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn ở vùng sâu, vùng xa.

Có thể thấy, tảo hôn không chỉ vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy. Những cặp vợ chồng "trẻ con" này đã tự đánh mất cơ hội học tập, tìm kiếm việc làm để lập thân, lập nghiệp nên cứ luẩn quẩn trong cảnh túng thiếu. Nghiêm trọng hơn, người con gái sinh nở ở tuổi thiếu niên dễ khiến trẻ sinh ra bị còi cọc, suy dinh dưỡng, sức đề kháng yếu, ảnh hưởng đến chất lượng dân số...

Theo bà H’Lê Niê, Trưởng Phòng Dân số - Kế  hoạch hóa gia đình (Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh), để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, bên cạnh việc nâng cao năng lực  truyền thông của đội ngũ làm công tác dân số từ tỉnh đến xã, phường, thôn, buôn thì một hoạt động vô cùng cần thiết và cấp bách hiện nay là cung cấp các phương tiện tránh thai, tư vấn tiền hôn nhân cho lứa tuổi vị thành niên. Về lâu dài cần sự linh hoạt lồng ghép công tác dân số với việc hỗ trợ các chính sách xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi chỉ khi điều kiện kinh tế phát triển, cộng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của chính quyền các cấp, nhận thức của người dân thay đổi, tình trạng tảo hôn mới được ngăn chặn.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.