Multimedia Đọc Báo in

Mái nhà chung giữa đại dịch

06:33, 04/09/2021

Tròn một tháng sau khi kích hoạt, khu cách ly y tế tập trung đặt tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng, an ninh (Trường Đại học Tây Nguyên) đã tiếp nhận, chăm sóc, phục vụ hơn 500 công dân là các đối tượng F1 trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và những người dân trở về từ vùng dịch phía Nam.

Với cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ tiện nghi, lực lượng phục vụ chu đáo, tận tình, thân thiện… khu cách ly như mái nhà chung chở che, bảo vệ mọi người giữa đại dịch.

Rạng sáng 15-8, từ Bình Dương trở về Đắk Lắk, vợ chồng anh Mai Thành Luân (29 tuổi, trú thôn 3, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) rất bất ngờ, cảm động khi nghe các nhân viên phụ trách khu cách ly thông báo: “Do có con nhỏ, cả gia đình anh sẽ được ưu tiên bố trí ở chung trong một căn phòng rộng, nằm ở tầng trệt, có cửa sổ hướng ra vườn cây”. Nhìn tờ giấy nhỏ in sẵn số điện thoại đường dây nóng, các quy định hướng dẫn, danh mục vật chất, nhu yếu phẩm được cấp phát miễn phí và chăn màn, chiếu gối được xếp đặt gọn gàng, ngăn nắp, sóng wifi "căng đét"..., cảm giác mệt mỏi, lo âu của vợ chồng anh như tan biến cả. Hơn 2 tháng sống trong tâm dịch, có lẽ đến bây giờ họ mới có lại một giấc ngủ ngon.

Trong một căn phòng khác nằm ở cuối hành lang, mỗi lần cho con uống sữa, vợ chồng chị Lê Thị Nuôi (38 tuổi, trú thôn 1, xã Cư Elang, huyện Ea Kar) lại bế cháu Nguyễn Huỳnh Anh (1 tuổi) ra đứng gần cửa sổ để mấy chú bộ đội dỗ dành. Thương quý trẻ con, lần nào xuống đưa cơm, tổng dọn vệ sinh, thiếu tá QNCN Nguyễn Đức Quân - Trợ lý Hậu cần Ban CHQS thị xã Buôn Hồ, thiếu tá Trịnh Văn Cảnh - Trợ lý Phòng không Ban CHQS huyện Krông Năng cũng búng tay, pha trò, chọc cười tụi nhỏ. Cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của bà con, mỗi lần cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đến tiếp tế, các anh lại tham mưu cho chỉ huy Trung tâm lập danh sách, cấp phát kịp thời, phù hợp nhu cầu sử dụng của mọi người. Xung phong lên tuyến đầu chống dịch, các anh chăm lo cho công dân trong khu cách ly như người thân của mình. Nửa đêm, tờ mờ sáng, bà con cần hỗ trợ việc gì các anh đều kịp thời có mặt.

Phục vụ ăn uống đến tận cửa phòng cho công dân trong khu cách ly.

Mới về khu cách ly được hai ngày, anh T.H.P.N. (32 tuổi, trú huyện Krông Năng) bàng hoàng khi biết tin vợ mình có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, phải chuyển sang điều trị tại Bệnh viện dã chiến của tỉnh. Được lực lượng chức năng quan tâm, động viên anh N. dần lấy lại tinh thần, cùng con trai yên tâm ở lại cách ly. Anh Y Bưr Ksơr - Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Ea Tam, phục vụ tại khu cách ly chia sẻ: “Tuy mới đi vào hoạt động, song qua xét nghiệm, ở đây đã có 23 trường hợp dương tính. Sau khi các ca bệnh được chuyển đi, lực lượng y tế sẽ đưa những người ở cùng phòng sang một khu khác, kiểm tra, theo dõi chặt chẽ và tiến hành vệ sinh, phun khử khuẩn toàn bộ phòng ốc, đồ dùng sinh hoạt có liên quan đến ca bệnh. Thông thường, sau khoảng 5 - 7 ngày, qua nhiều lần khử khuẩn, những phòng này mới được tái sử dụng trở lại”.

Bản thân bị liệt cả 2 chân, phải ngồi xe lăn nhưng trước đây chị Nguyễn Thị Hà (31 tuổi, trú thôn 2, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) từng có thời gian dài làm việc cho một cơ sở từ thiện tại tỉnh Bình Dương. Dịch bệnh bất ngờ bùng phát, được cấp ủy, chính quyền địa phương cho xe xuống tận nơi đón về, chị rất vui và cảm động. Chứng kiến tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ và sự hy sinh thầm lặng của các lực lượng quân sự, công an, dân quân, y tế trong khu cách ly, hằng ngày chị và mọi người vẫn chú ý nhắc nhau ăn ở gọn gàng, ngăn nắp, giữ vệ sinh chung, tự giác chấp hành, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch, để sau mỗi ca trực, các chiến sĩ “áo xanh”, “áo trắng” có thể nghỉ ngơi đôi chút. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của những thành viên ở cùng phòng, trong thời gian cách ly, mọi sinh hoạt của chị Hà đều diễn ra rất an toàn, thuận tiện.

Phục vụ ăn uống cho các công dân trong khu cách ly.

Quân số ít, lượng người đến cách ly mỗi lúc một đông hơn nên công việc của các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế ở Trung tâm thường xuyên bận rộn. Mỗi ngày 3 lượt khoác đồ bảo hộ đi khắp các tầng lầu thăm khám, đưa cơm, tiếp nước, tổng dọn vệ sinh, xử lý rác thải, bảo vệ an ninh an toàn, giải quyết các vấn đề phát sinh… khiến ai cũng mệt nhoài. Vất vả nhất là những hôm tiếp đón công dân, sau khi ổn định nơi ăn chốn ở cho bà con, toàn bộ quân số lại tập trung bốc xếp hành lý, tư trang, xe máy cá nhân của mọi người từ trên xe tải xuống, khử khuẩn, phân loại, đưa về nơi tập kết. Ngày bà con hoàn thành thời gian cách ly, toàn bộ chăn màn, gối chiếu, vật chất dùng chung lại được các anh khử khuẩn, giặt giũ, phơi khô, xếp sẵn ở các phòng. Xác định “chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, dẫu vất vả, hiểm nguy, nơi tuyến đầu họ vẫn luôn sẵn sàng, hăng hái...

Lê Hà


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.