Multimedia Đọc Báo in

Cần đầu tư tốt hơn cho truyền thông đô thị

08:46, 28/08/2021

Diễn biến dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phía Nam những ngày qua đã trở thành mối quan tâm của cả nước không chỉ ở góc độ tình hình ra sao mà cả các nội dung thông tin lan truyền thế nào. Nhiều người nhìn nhận đã thấy rõ sự lúng túng trong công tác truyền thông thông tin.

Thực tế đó đặt ra câu hỏi đã từng được rất nhiều tỉnh thành quan tâm: mảng truyền thông cho các đô thị nên được tổ chức thế nào cho hiệu quả?

Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh, là đô thị tập trung rất nhiều luồng thông tin, các tờ báo lớn, những đơn vị truyền thông mạnh. Song nếu thiếu đầu mối thống nhất các luồng thông tin đó, hệ quả tiêu cực xã hội sẽ nhiều hơn các giá trị tích cực.

Nhiều luồng thông tin, thiếu một đầu mối?

Dư luận đều nhận chân rõ, hoạt động truyền thông phòng dịch ở một số tỉnh thành “đang có vấn đề”. Rất nhiều chủ trương, quyết sách tích cực phòng dịch, tổ chức đội ngũ tuyến đầu, tư vấn hậu cần cho người dân đã được địa phương khẩn trương đưa ra, thậm chí mạnh dạn thay đổi ngay khi tình hình phức tạp hơn. Nhưng qua lăng kính truyền thông, đặc biệt trên mạng xã hội, những thông tin ấy lại bị chậm trễ, bị cắt xén, thậm chí biến tướng tiêu cực bởi nhiều góc nhìn và dụng ý. Từ đó, nhiều sự việc tiêu cực, tác động xấu đến cộng đồng dân cư đã xảy ra như: tụ tập đông người mua hàng hóa dự trữ, tổ chức xét nghiệm đông người thiếu kiểm soát, nhìn nhận việc siết chặt giãn cách xã hội một cách thiếu thiện cảm, phản đối tiêm vắc xin…

Nhìn rộng vấn đề, thực tế dường như công tác truyền thông xã hội đang là điểm yếu của các đô thị trong cả nước. Mặc dù tỉnh thành nào cũng có các cơ quan truyền thông thông tin, bộ phận tư vấn cho chính quyền nhưng hầu hết chỉ hỗ trợ hoạt động hành chính địa phương, truyền dẫn thông tin chính sách. Về mặt ghi nhận kịp thời, có phản ứng hữu hiệu trước những luồng thông tin phát sinh, chủ động tổ chức thông tin đi trước những sự kiện, chính sách địa phương bằng chính góc nhìn báo chí thì các đô thị chưa thực thi được. Trong bối cảnh xã hội ngày càng diễn biến phức tạp, thông tin trên mạng xã hội ngày càng tăng, đòi hỏi tổ chức đầu mối, bộ phận truyền thông chính thức cho các đô thị, thật sự là nên có.

Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại buôn Kwăng A, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ đang bị dịch COVID-19. Ảnh: Kim Hoàng

Cần kế hoạch dài hơi

Hơn 5 năm trước, khi về hưu, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã tâm sự với báo chí quan tâm đến địa phương, tỏ ra tiếc nuối khi một thời gian dài trước đó không quan tâm xây dựng một bộ máy truyền thông tích cực cho đô thị cổ. Sau đó, đội ngũ lãnh đạo Hội An đã kết nối nhiều cơ quan báo chí đồng hành với đô thị di sản thế giới, được ủng hộ của báo giới ở mỗi giai đoạn phát triển. “Điều ấy đáng ghi nhận nhưng vậy vẫn chưa đủ. Lẽ ra cần có một đầu mối truyền thông chuyên nghiệp để tổ chức, xử lý các vấn đề thông tin cho Hội An. Có thể thành lập một ban truyền thông cho thành phố”, ông Sự tiếc nuối.

Rất nhiều nhà tư vấn xã hội đã lên tiếng, đề nghị nên xem xét lại ngay hoạt động tổ chức truyền thông, làm sao có được một đầu mối thỏa đáng để cấu trúc, định hướng dư luận hợp lý và hiệu quả hơn.

Đối chiếu vấn đề với TP. Đà Nẵng, cũng thấy một giai đoạn, chính quyền địa phương rất quan tâm xây dựng một tổ công tác báo chí để xử lý các vấn đề truyền thông hình ảnh “thành phố đáng sống”. Sở Thông tin - Truyền thông Đà Nẵng đã đảm nhận vai trò kết nối này rất tốt, và đây là lý do đến nay các thông tin về Đà Nẵng luôn có hướng tích cực, ít phản ánh phiến diện. Quan hệ giữa báo chí và thành phố theo đó cải thiện không ngừng, tác động tốt đến các hoạt động, chủ trương của địa phương.

Từ những thực tiễn đó, quy chiếu lại đô thị Buôn Ma Thuột, phải ghi nhận địa phương đang không ngừng nỗ lực triển khai các hoạt động, chính sách gần gũi, thiết thực đời sống người dân. Các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn cũng rất tích cực tham gia truyền thông hình ảnh thành phố cao nguyên này. Sở Thông tin - Truyền thông Đắk Lắk là đầu mối hợp tác nhiều cơ quan báo chí truyền thông cho tỉnh, cho đô thị Buôn Ma Thuột.

Tuy nhiên, hoạt động truyền thông mạng xã hội, vận dụng những nền tảng công nghệ thông tin như website trên mạng Internet, các ứng dụng Zalo, Skype… vẫn chưa là thế mạnh của truyền thông đô thị Buôn Ma Thuột. Thực chất các thông tin chiều sâu về những giá trị đô thị trung tâm Tây Nguyên, về kinh tế sản xuất, cơ hội đầu tư, lịch sử văn hóa truyền thống, các dữ liệu văn hóa dân tộc đa dạng… vẫn còn hạn chế. Chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ thông tin tại các website quản lý nhà nước vẫn còn chưa đầy đủ.

Rõ ràng đã đến lúc, TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung cần xây dựng một kế hoạch truyền thông dài hơi, bền vững cho hoạch định phát triển đô thị. Cần tạo thêm những cơ hội truyền thông cho chính đội ngũ thông tấn ở địa phương để hoạt động tốt hơn, và cần nghĩ đến một bộ phận tham mưu chuyên nghiệp cho địa phương về xử lý, ứng phó các sự cố khủng hoảng truyền thông xảy ra… và nhất là tập trung tôn vinh hơn nữa những giá trị bền vững của đô thị Buôn Ma Thuột.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.