Multimedia Đọc Báo in

Sắc phục người Jrai qua bức ảnh chụp hàng thế kỷ trước

08:45, 02/07/2023

Tây Nguyên là vùng đất đầy hấp lực đối với những nhà thám hiểm, du hành, nhà dân tộc học và đặc biệt là các nhà nhiếp ảnh người Pháp. Hình ảnh đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được họ ghi vào ống kính khá sớm, từ những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Nhà nhiếp ảnh J. Antonio may mắn được hội ngộ một nhóm 5 người dân tộc Jrai ở tỉnh Gai Lai - Kon Tum đi dự Hội chợ Đấu xảo được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian từ tháng 11/1902 đến tháng 2/1903. Ông là người chụp lại toàn bộ hình ảnh hoạt động của hội chợ, sau đó được tuyển chọn 60 bức để in ấn, giới thiệu trong cuốn sách Entrée gratuite của Alfred Raquez, xuất bản vào cuối năm 1903. Trong tập sách đó có bức ảnh quý hiếm, sắc nét về người Jrai, đại diện cho đồng bào Tây Nguyên tham gia sự kiện quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn ở Đông Dương.

Hội chợ Đấu xảo được tổ chức theo chỉ thị của Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương nhằm triển lãm những thành tựu, các công trình lớn và hiện đại hóa ở xứ thuộc địa. Lúc đó, không dễ dàng để đưa một nhóm người đồng bào dân tộc sinh sống tại buôn làng Tây Nguyên về Hà Nội để tham gia sự kiện nêu trên. Để đến được Hà Nội, chắc họ phải qua một hành trình dài với nhiều phương tiện giao thông khác nhau.

Người Jarai tham gia Hội chợ Đấu xảo năm 1902 tại Hà Nội. Ảnh: J. Antonio

Qua ảnh có thể thấy rõ về trang phục và trang bị của họ mang đậm nét Tây Nguyên. Họ đều là những thanh niên trẻ, mang vóc dáng của Đam San, Xinh Nhã, những nhân vật huyền thoại. Đó là vẻ đẹp tóc tai, khố áo, phục sức, trang bị những loại vũ khí cổ sơ và vật dụng cá nhân. Những dáng vẻ đó không chỉ được miêu tả trong sử thi, truyện cổ, trong bức ảnh đặc tả chân dung, diện mạo của ngưởi Jrai cách nay gần 100 năm mà còn lưu truyền, gìn giữ và bồi đắp trong cuộc sống hiện tại.

Cả năm người đều mặc khố, áo choàng quấn hình chữ X, quấn khăn thổ cẩm trên mái đầu. Loại hình trang phục này không chỉ giúp che đậy thân thể mà còn toát lên dáng vẻ, tư thế của đấng mày râu. Đàn ông dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là dân tộc Jrai, Bhanar, M’nông, Xơ Đăng... đều có loại áo làm bằng vải hoặc bằng chăn. Nó không cần cắt may, khi mặc xếp lại thành vài ba lớp theo chiều dài, sau đó choàng từ sau lưng qua lồng ngực, đưa lên hai vai hai mối chăn, vải rồi nhét sau lưng là thành chiếc áo choàng quấn theo phong cách cổ điển. Người ta choàng tấm áo này khi đi dự lễ hội hoặc đi họp. Đi đánh giặc cũng cần loại áo này vì nơi lồng ngực có nhiều lớp vải, chăn che chắn. Khi địch thủ bắn ná hoặc phóng lao, lồng ngực và quả tim đã được bảo vệ bằng nhiều lớp vải. Người mặc chiếc áo này cũng tăng vẻ oai hùng, khiến cho mọi người kính trọng, đối thủ khiếp sợ.

Qua ảnh cũng thấy rõ trang bị của những thanh niên dân tộc Jrai đúng chất “chiến binh” Tây Nguyên, đó là cây lao, cây kiếm, chiếc khiên..., là thứ vũ khí dùng lúc đi săn, hộ thân và bảo vệ buôn làng. Trong các cuộc chiến tranh bộ lạc, thị tộc trước đây, những chiến binh cổ đại được trang bị những vũ khí cổ sơ như vậy. Đặc biệt, khiên là loại vũ khí chống đỡ, tự vệ khá phổ biến, lợi hại khi đánh gần. Đối với nhiều dân tộc, chiếc khiên còn được sử dụng như đạo cụ tham gia các điệu múa của nam giới, trai tráng trong các lễ hội. Từ loại vũ khí chiến đấu, tự vệ trước đây đã được đưa vào “nghệ thuật múa” - gọi là điệu múa khiên. Chiếc khiên đã thay đổi chức năng, từ vũ khí thành đạo cụ múa nên được trang trí hoa văn đẹp mắt. Điệu múa khiên thể hiện nét oai phong, hùng dũng của các chàng trai trong các lễ hội được tổ chức ở buôn làng hoặc các hoạt động như Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc, Liên hoan cồng chiêng, Festival Cà phê... và cả những lễ hội đường phố sôi động khi có sự tham gia của đồng bào Tây Nguyên.

Qua bức ảnh tư liệu quý hiếm này cho thấy, thông điệp của các chàng trai dân tộc Jrai khi đến với Hội chợ Đấu xảo tại Hà Nội cách nay hàng thế kỷ là giới thiệu bản sắc tộc người. Từ bức ảnh đó cũng cho chúng ta cái nhìn đối sánh xưa và nay, khi thời gian qua một thế kỷ, trang phục truyền thống thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Tây Nguyên.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc