Multimedia Đọc Báo in

Những “nghệ sĩ nhí” của buôn làng

10:34, 26/06/2023

Bằng sự đam mê, tình yêu với nghệ thuật, những “nghệ sĩ nhí” của buôn làng đã phát huy tài năng, đưa lời ca, tiếng hát, nhịp chiêng của mình giới thiệu đến công chúng nét đẹp văn hóa, góp phần trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên.

Tiếng chiêng trẻ

Thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) là nơi duy nhất có đội chiêng nữ người Êđê Bih. Trải qua nhiều thăng trầm, tiếng chiêng Jôh vẫn được gìn giữ và ngày nay đã truyền lại cho thế hệ trẻ, trong đó có Đội chiêng trẻ Êđê Bih.

Đội chiêng trẻ Êđê Bih của thị trấn Buôn Trấp được thành lập năm 2022 với 20 thành viên, có độ tuổi từ 6 – 12. Các em có niềm đam mê với cồng chiêng; không chỉ vào dịp hè mà vào mọi thời gian trong năm, mỗi tuần các em đều dành thời gian tập luyện. Gắn bó với đội chiêng trẻ từ những ngày đầu tiên, chị H’ Diệu Êban đã truyền lại cho các em tình yêu cồng chiêng bằng tất cả nhiệt huyết.

Các thành viên Đội chiêng trẻ Êđê Bih được nghệ nhân chỉ dạy đánh chiêng Jôh. Ảnh: M. Sao

Với sự cố gắng của bản thân, lại được các bà, các mẹ, các chị chỉ dạy nhiệt tình nên chỉ sau một năm thành lập, hầu hết các thành viên của đội chiêng đã có thể đánh thành thạo nhiều bài chiêng và múa uyển chuyển, đẹp mắt. Em H’Uyn Êban (9 tuổi) háo hức: “Em rất vui khi học cồng chiêng. Từ ngày biết đánh chiêng đến nay, em cùng các bạn đã được đi biểu diễn nhiều nơi”. Em H’Nép Ênuôl hồ hởi kể: “Vào hè, chúng em thường đến nhà văn hóa cộng đồng vào những sáng cuối tuần để tập luyện; được tập những bài chiêng mới, động tác múa mới thì càng háo hức…”.

Trong năm 2022, tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ II, Đội chiêng trẻ Êđê Bih đã xuất sắc đạt giải B cho tiết mục biểu diễn và giải Đội chiêng trẻ tuổi nhất. Ngoài ra, đội chiêng cũng liên tục tham gia các hội diễn, liên hoan tại địa phương, được Ban tổ chức đánh giá cao. Hình ảnh những “nghệ nhân” trẻ say sưa gõ nhịp cồng chiêng, kết hợp với vòng múa nhịp nhàng, uyển chuyển đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng. Niềm đam mê, sự cố gắng nỗ lực của các em đã cho thấy ý thức về trách nhiệm trong việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình và gìn giữ, phát triển văn hóa cồng chiêng đến mai sau.

“Sơn ca của buôn làng”

Em H’Linh Đan Niê (13 tuổi, buôn Tơ Lơ, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) được nhiều người yêu mến đặt tên là “chim sơn ca” trong chương trình cuộc thi “Tìm kiếm tài năng” tỉnh Đắk Lắk năm 2022 do Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức. Em cũng là thí sinh đạt giải Quán quân của cuộc thi này.

Theo chị Nguyễn Thị Hải Đăng (mẹ của H’Linh Đan Niê), ngay từ khi học mẫu giáo em đã yêu thích hát, múa; thường xuyên tham gia vào các hoạt động trong cộng đồng tại buôn làng ở địa phương vào các dịp lễ hội, ngày truyền thống… Nhận ra tình yêu với nghệ thuật của con, chị Đăng đã đăng ký cho con tham gia sinh hoạt Đội Nghệ thuật Măng non (Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh).

m H'Linh Đan Niê nhận giải Quán quân cuộc thi “Tìm kiếm tài năng” tỉnh Đắk Lắk năm 2022. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ngoài sự dìu dắt của các thầy cô, phải kể đến sự ủng hộ của gia đình đã luôn đồng hành với H’Linh Đan trong hành trình chinh phục đam mê. Không ngại đường sá xa xôi, chị Hải Đăng đưa đón con gái lên Buôn Ma Thuột học thanh nhạc và sinh hoạt cùng bạn bè, đội nhóm rất chuyên cần. Bản thân em H’Linh Đan luôn nỗ lực, cố gắng học hỏi, trau dồi kỹ thuật, chuyên môn, hiện thực hóa đam mê và tài năng thành những tiết mục ấn tượng. Không chỉ nổi bật về lĩnh vực ca hát, em còn có thể chơi một số loại nhạc cụ dân tộc như chiêng đồng, chiêng tre, đàn đinh pah…

Là cô gái sinh ra từ buôn làng, H’Linh Đan tâm sự rằng, em thích nhất là được thể hiện những bài hát về Tây Nguyên, về con người nơi đây, rất chân thật, mộc mạc. Tình cảm đó phần nào đã giúp em trình diễn các tiết mục về quê hương, đất nước, con người, dù mộc mạc nhưng giàu cảm xúc, chạm đến trái tim người nghe. Chia sẻ về những dự định trong tương lai, H’Linh Đan bày tỏ: “Được biểu diễn trước khán giả chính là cách mà em có thể giới thiệu nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc đến đông đảo mọi người. Vì vậy, em luôn cố gắng và nỗ lực rèn luyện mỗi ngày để góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp ấy”.

Chặng đường của giọng ca H’Linh Đan chỉ mới bắt đầu, hy vọng “chim sơn ca” nhỏ sẽ có thêm nhiều nghị lực và lòng quyết tâm để từng bước chinh phục những đỉnh cao mới trong nghệ thuật.

Mai Sao - Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.