Multimedia Đọc Báo in

Lời nói vần - di sản từ tiếng lòng của các dân tộc Tây Nguyên

08:24, 23/04/2023

Thuật ngữ “lời nói vần” được các nhà nghiên cứu sử dụng gần đây để chỉ một cách sử dụng ngôn ngữ đặc biệt trong văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. “Lời nói vần” là hình thức ngôn ngữ vần điệu, dài ngắn khác nhau, xuất hiện trong nhiều thể loại văn học truyền miệng.

Hầu hết các thể loại văn học dân gian Tây Nguyên như truyện cổ, sử thi, câu đố, dân ca, tục ngữ, luật tục... đều thể hiện bằng lời nói vần. Tùy theo từng thể loại mà lời nói vần xuất hiện ít hoặc nhiều và cách thể hiện của chúng trong mỗi thể loại cũng khác nhau. Lời nói vần chính là chất liệu làm nên sử thi Tây Nguyên - đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Người kể chuyện và người nghe say sưa từ đêm này sang đêm khác “càng kể càng hay, càng kể càng dài” vì họ thuộc nhiều câu nói vần, lúc thì kể khi thì ngâm ngợi. Sử thi thường là câu chuyện về lập đất lập làng, nhân vật anh hùng, về đời sống, lễ hội của người xưa. Lời nói vần nhẹ nhàng dẫn dắt người nghe vào từng câu chuyện với chủ đích góp phần giáo dục nhân cách, lối sống, bồi dưỡng tri thức cho con cháu đời sau. Nó chứa đựng những tri thức và kinh nghiệm sống cùng những vốn liếng văn hóa được sáng tạo và tích lũy từ lâu đời. Đó là những chuẩn mực trong mối quan hệ xã hội, là những lời khuyên răn, giáo dục người đời, là cách đối nhân xử thế, tình yêu, hôn nhân và gia đình và những kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc của con người trong lao động sản xuất, thời tiết, mùa màng…

Trong các nghi lễ cúng voi của người M’nông, thầy cúng khấn thần linh bằng các câu nói vần. Ảnh: Ngô Minh Đức

Lời nói vần tạo ra nhịp điệu, có âm sắc nên nó cũng được dùng phổ biến trong dân ca, lời hát nhân ngãi, đối đáp tỏ tình đôi lứa, hát ru con, hát khóc tiễn biệt con trâu trong nghi lễ hiến sinh... Khúc ca xao xuyến của bạn tình hay lời hát ru ngọt ngào, êm ái của người mẹ là dưỡng chất tinh túy nuôi lớn tâm hồn mỗi người. Những ca từ mộc mạc và nốt nhạc từ tre nứa, quả bầu khô làm lay động trái tim bao thế hệ. Ông bà, cha mẹ và các vị già làng mượn khúc dân ca, lời nói vần để giáo dục, khuyên nhủ con cháu. Buổi sáng, buổi tối là lớp học của thanh niên, trẻ nhỏ. Những người già vừa làm việc, vừa kể chuyện cổ tích, sử thi cho đàn trẻ con. Mỗi buổi kể một câu chuyện cổ tích. Thanh niên nào đã được nghe câu chuyện mà người lớn vừa kể thì lúc ra rẫy thử kể lại, sai chỗ nào thì cha mẹ và người lớn nhắc thêm. Buổi tối, người già đọc những câu vần trong vốn ca dao, tục ngữ, luật tục, sử thi và dạy thuộc lòng cho con cháu những câu vần đó. Ban ngày đi làm rẫy hoặc đi chăn trâu, thả bò, thanh niên đọc thử những câu vần đã nghe hôm trước cho người lớn nghe. Nếu quên câu nào thì người lớn nhắc lại và thuộc luôn trong ngày. Thanh niên nào có trí nhớ tốt, mỗi ngày có thể tiếp thu được vài câu. Trước khi cưới vợ, trưởng thành họ có thể thuộc cả nghìn câu vần, có đủ vốn liếng để có thể đối đáp, tranh biện khi tham gia xét xử theo luật tục và hát xướng khi vui chơi, tỏ tình với các cô gái.

Đại diện nghệ nhân dân tộc M'nông nhận Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cho loại hình di sản Lời nói vần.

Đối với đồng bào Tây Nguyên, lời nói vần là kho tàng tri thức dân gian nên ai cũng phải học theo, làm theo những điều hay lẽ phải đã được đúc kết nhiều đời. Câu vần trong sử thi thường cô đọng, có thể lặp đi lặp lại theo trường đoạn, ngữ cảnh nên không gây nhàm chán mà lại thấm sâu vào lòng người. Những nhân vật trong sử thi như Đam San, Xinh Nhã, Tiăng, Yang... thường được xem như hình mẫu lý tưởng để dân làng, lớp trẻ noi theo. Lời nói vần cũng là phương tiện lưu truyền tri thức dân gian về cuộc sống mưu sinh. Lời nói vần là tiếng lòng, giọng nói của cha ông để lại, là báu vật ngàn đời của các dân tộc Tây Nguyên. Chính vì những giá trị nhiều mặt, năm 2020, Lời nói vần (Nao m’pring) của dân tộc M’nông đã Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030” theo Quyết định số 3875/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ hội để bảo tồn, phát huy các tác phẩm văn học dân gian, trong đó tiếng nói, chữ viết, ca dao, dân ca... - những thành tố cốt lõi thuộc di sản lời nói vần. Theo Đề án, trong những năm tới, phấn đấu sưu tầm, số hóa, xuất bản 80% các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số; 80% trường dân tộc nội trú và các cấp trường tại địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số đưa thể loại văn học dân gian vào hoạt động sinh hoạt ngoại khóa; lựa chọn các tác phẩm văn học dân gian tiêu biểu của các dân tộc thiểu số đưa vào hoạt động giảng dạy và giáo dục ngoại khóa tại trường học...

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.