Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui Krông Ana

08:14, 23/04/2023

Giữa tháng Tư, niềm vui ngập tràn trên gương mặt các nghệ nhân tấp nập từ các nẻo đường về trung tâm thị trấn Buôn Trấp dự Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Krông Ana lần thứ VI năm 2023, sau 3 năm tạm dừng do dịch COVID-19. 6/8 xã có các buôn người dân tộc Êđê đều góp mặt.

Ngoài phần thi nghệ thuật diễn xướng dân gian, nét đẹp và trang phục truyền thống, tại ngày hội còn có 8 môn thi khác: Rượu cần ngon, làm cột lễ, dệt thổ cẩm, đan gùi, chỉnh ching, chế tác nhạc cụ, làm đồ gốm và ẩm thực. Đã có những điều mới mẻ được mang tới ngày hội làm bất ngờ cả Ban thẩm định và Ban tổ chức. Như việc Nghệ nhân Ưu tú Y Thơi phục dựng thành công bộ sáo đôi đing buôt plei chỉ có 2 - 3 lỗ bấm gần như không còn hiện diện vài chục năm nay; hay nhóm nghệ nhân chỉnh ching của xã Ea Na không chỉ chỉnh mà còn sửa (Mkra) hai chiếc ching đã nứt, bằng những cách làm dân dã xẻ thêm đường nứt và gò, trả lại âm thanh (m’găn ching) cho ching Hliang hòa điệu cùng cả dàn. Hoặc chiếc cột gơng drai cúng lúa sắp chín đều trên rẫy, lần đầu tiên được tái hiện rất chỉn chu; cột cúng cơm (sang esei) nơi nhà mồ, cột Gơng trong lễ ăn trâu được bạn thanh niên trẻ Y Kôn thuyết minh rất rành mạch từng biểu tượng được chạm khắc, màu sắc sử dụng…

Phần thi dệt thổ cẩm tại Ngày hội.

Môn thi làm đồ gốm chỉ có 3 đơn vị thị trấn Buôn Trấp, buôn Tơ Lơ và xã Ea Na tranh tài, nhưng lại thú vị bởi có thêm hai nghệ nhân nam. Buôn Trấp vốn là nơi làm gốm nổi tiếng từ xa xưa, với những sản phẩm đặc trưng như nồi nhuộm vải (bán khắp vùng Êđê). Gốm của người Bih ở Buôn Trấp không có hoa văn, và chưa trở thành hàng hóa như gốm M’nông ở Lắk, dẫu cùng chung phương thức tự xoay xung quanh và nung lộ thiên, nhưng những chiếc nồi nhỏ đen bóng vẫn gây được sự chú ý bởi kiểu dáng tròn trịa hoàn hảo...

Hai cuộc thi được coi là điểm nhấn của ngày hội là trình diễn nghệ thuật dân gian, nét đẹp và trang phục truyền thống. Đáng kể là sự tinh tế và chững chạc của các dàn ching knah lão thành (Ea Bông, Băng Adrênh, Dur Kmăl…), sự thành thạo, tuy chưa đến mức điêu luyện của các dàn ching kram hay ching knah trẻ mang đến cho người xem niềm vui của sự tiếp nối. Tấu đing tŭt của xã Băng Adrênh còn rất sáng tạo khi có múa phụ họa; hay đing năm được đệm cho bài Arei đối đáp Buôn Dur Kmăl thay vì đệm đàn ghi ta như thường thấy.

Có 13 cặp nam nữ tham gia phần thi trang phục truyền thống và cải tiến. 8 cặp được chọn vào vòng chung kết đều xứng đáng bởi hầu hết các em đều khỏe, đẹp và trình diễn rất tự tin, thậm chí là tự hào trong trang phục truyền thống. Sự cách tân của thổ cẩm có lẽ mang đến cho đông đảo các bạn trẻ dự khán nhiều suy nghĩ đẹp về việc phát huy giá trị của nghề dệt của chính tộc người mình.

Mặc dù có sự đậm nhạt khác nhau nhưng hầu như các xã đều có sự đầu tư để mang tới ngày hội những gì tinh túy nhất của địa phương mình. Bên cạnh đó là lực lượng thanh thiếu niên tham gia, gần như đoàn nào cũng có, cho thấy văn hóa truyền thống đã không chỉ được gìn giữ mà còn đang được trao truyền để bảo tồn ngay trong chính cộng đồng buôn.

Nghệ nhân Ưu tú Y Thơi phục dựng thành công bộ sáo đôi đing buôt plei.

Tuy nhiên, một vài điều khiến những người gắn bó nhiều năm với công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống có đôi chút băn khoăn. Đó là: huyện Krông Na có tới 23 dân tộc anh em đang cùng chung sống nhưng tại ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số lại chỉ có nhóm Êđê và Bih tham gia, cộng đồng M’nông chỉ góp mặt một chiếc gùi dáng đẹp trong phần thi đan gùi. Các nhóm tộc người khác như Tày, Nùng, Mường… đều không hiện diện. Sẽ hoàn hảo biết mấy nếu có thêm những tấm áo chàm Tày, áo cóm trắng của người Mường… hiện diện bên màu trang phục đỏ đen của dân tộc Êđê, Bih…

Một số tập tục truyền thống bị sai lệch, như chỉ trong đám cưới người Êđê mới sử dụng 2 cần rượu, còn tất tần tật chỉ dùng có 1 cần, vậy nhưng lễ nào được mô phỏng cũng cắm 2 cần trong ghè rượu. Trong truyền thống, ching kram chỉ dùng cho thanh thiếu nhi luyện tập, không được dùng cho thực hiện nghi lễ. Hoặc người Tây Nguyên nói chung, Êđê nói riêng chỉ khi cúng có hiến sinh từ heo trở lên mới tấu ching knah, hoặc con gà dùng trong lễ chúc khỏe lại chéo cánh sẻ theo lối gà cúng của người miền xuôi. Hoạt cảnh con trai giã gạo cũng không đúng với sinh hoạt buôn làng (tiếng giã gạo chày đôi chày ba sớm mai là thước đo sự lam làm, chịu thương chịu khó của người con gái)...

Những điều có lẽ chỉ nho nhỏ như thế thôi, nhưng là phong tục tập quán, nét đặc trưng riêng trong văn hóa tộc người. Điều đó cũng khiến Ban tổ chức nói chung và Ban thẩm định nói riêng sẽ chú trọng tuyên truyền hơn đến thế hệ trẻ về giá trị đích thực của di sản văn hóa.

Niềm vui mang đến và mang về của các nghệ nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ, dẫu chỉ một lần hòa mình trong không khí náo nức của lễ hội chắc chắn là sẽ còn lưu mãi trong tâm trí, để rồi từ đó những di sản văn hóa truyền thống sẽ được gìn giữ, tiếp nối, lưu truyền mãi…

Linh Nga Niê Kdam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.