Multimedia Đọc Báo in

Về làng Mường Phú Đức

08:19, 23/02/2023

 tổ dân phố 4 (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) cộng đồng người Mường di cư từ tỉnh Phú Thọ vào sinh sống, lập nghiệp đã gần 50 năm. Trải qua bao thăng trầm, đời sống của người dân đã có nhiều đổi thay song đồng bào Mường nơi đây vẫn gìn giữ, bảo tồn nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Đình làng Phú Đức nằm sừng sững, uy nghiêm giữa làng, phía trước sân đình có ba cây cầy (kơ nia) cổ thụ với những tán lá to, rộng rì rào theo gió.

Là một trong những người đầu tiên đặt chân đến đây lập nghiệp, ông Hà Văn Trãi (73 tuổi), nguyên trưởng làng, hiện nằm trong ban chức sắc đình làng đã chứng kiến bao sự đổi thay của làng.

Ông Trãi kể, sau ngày giải phóng năm 1975, người Mường về đây định cư, cuộc sống rất khó khăn, rừng núi hoang vu, đầy muỗi, vắt. Dân làng dựng nhà tranh, nhà sàn để ở, ngày ngày lên rừng hái măng, xuống sông bắt cá ăn qua bữa, rồi dần dần bắt tay vào khai khẩn đất đai, trồng trọt hoa màu, cây lương thực...

Theo thời gian, người dân ở các tỉnh di cư vào vùng đất này làm kinh tế mới, dân cư trở nên đông đúc, giao thông thuận lợi, thông thương buôn bán, kinh tế cũng phát triển hơn. Khi cuộc sống dần ổn định, có cái ăn cái mặc, dân làng mới cùng họp lại, lập đình làng để thờ cúng. Lúc đầu, đình làng được dựng đơn sơ tranh tre vách nứa, sau này, người dân đã đóng góp tiền của, công sức để xây dựng nên đình làng Phú Đức vững chãi như bây giờ. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng người Mường ở tổ dân phố 4.

Phụ nữ ở làng Phú Đức trong trang phục truyền thống chuẩn bị thực hiện điệu đâm đuống.

Đến nay, tại tổ dân phố 4 có 284 hộ dân, trong đó có 86 hộ là người dân tộc Mường. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi, nhiều người mở rộng kinh doanh, buôn bán để phát triển kinh tế, nhờ đó đời sống ngày càng được cải thiện. Một vài người dân ở đây đã tận dụng lợi thế, phát huy khả năng, kinh doanh những món ăn đặc sản truyền thống của dân tộc Mường, được thực khách đón nhận nhiệt tình, từ đó góp phần quảng bá ẩm thực dân tộc, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Hằng năm, có hai nghi lễ quan trọng được cộng đồng người Mường ở tổ dân phố 4 duy trì và tổ chức tại đình làng Phú Đức, đó là lễ hạ nêu vào ngày 7/1 (âm lịch) và lễ cúng Thần nông vào ngày 7/7 (âm lịch). Sau 3 năm gián đoạn vì dịch COVID-19, vừa qua, người làng Phú Đức lại tổ chức lễ hạ nêu, thu hút đông đảo người dân trên địa bàn huyện tham gia. Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, bình an, hạnh phúc đến với mọi người. Ngày này, phụ nữ Mường xúng xính trong trang phục truyền thống náo nức bước vào ngày hội. Sau phần nghi lễ diễn ra trang nghiêm, phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc: tung còn, leo cột mỡ, bịt mắt bắt heo, múa sạp, đập heo đất, đẩy gậy, kéo co…

Người dân tham gia trò chơi leo cột mỡ tại lễ hạ nêu.

Là người tâm huyết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thời gian qua, anh Mô Văn Thế (SN 1979, Trưởng Ban thanh niên đình làng Phú Đức) đã bỏ thời gian, công sức, lặn lội về quê gốc Phú Thọ để tìm hiểu, học hỏi, từ đó về kết hợp cùng người già trong làng để khôi phục dần những nét văn hóa truyền thống bị mai một, đặc biệt trong các nghi lễ, lễ hội của dân tộc mình. Tiêu biểu như việc tập luyện điệu đâm đuống - một trong những nét đặc sắc văn hóa của người Mường. “Điệu đâm đuống hay còn gọi là chàm đuống, những người phụ nữ sẽ đứng đối diện nhau, dùng chày gỗ gõ vào đuống (máng gỗ để giã lúa của người Mường) theo quy tắc và nhịp điệu nhất định tạo ra âm thanh vui tươi, rộn ràng và khỏe khoắn. Người Mường tin rằng tiếng đuống càng vang, càng rộn ràng bao nhiêu thì năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và gặp nhiều may mắn. Vừa qua, chúng tôi cũng chỉ mới tập được bốn điệu cơ bản, thời gian tới sẽ tiếp tục tập luyện thêm những điệu khó hơn”, anh Thế chia sẻ.

Cùng với việc vận động người dân tham gia giữ gìn văn hóa truyền thống, anh Thế còn tập hợp thanh niên trên địa bàn để cùng chuẩn bị, tổ chức và tham gia lễ hội. Theo anh, đó cũng là một cách để thu hút thế hệ trẻ, qua đó giúp họ hiểu thêm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thời gian tới, anh mong muốn và sẽ cố gắng cùng với người già trong làng khôi phục, tập luyện các bài hát cổ, điệu múa truyền thống của dân tộc..., đồng thời nghiên cứu, lên kế hoạch để lễ hội sang năm sẽ phát triển hơn, có thêm nhiều phần thi đặc sắc hơn.

Người dân tham gia múa sạp tại lễ hạ nêu.

Theo ông Trần Viết Dụ, công chức Văn hóa - Xã hội thị trấn buôn Trấp, cộng đồng người Mường ở thị trấn Buôn Trấp hiện vẫn duy trì một số lễ hội, nghi lễ truyền thống, từ đó góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, gắn bó cộng đồng. Bên cạnh đó, Ban quản lý đình làng Phú Đức đã được chính quyền địa phương công nhận và ra quyết định thành lập, có quy chế hoạt động cụ thể, đăng ký với địa phương về sinh hoạt tín ngưỡng hằng năm. Nhờ có sự quản lý chặt chẽ đã hạn chế được những tệ nạn như: đánh bạc, xóc đĩa, bầu cua, đá gà cá cược ăn tiền... Qua đó giúp các lễ hội trên địa bàn diễn ra vui tươi, lành mạnh.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.