Multimedia Đọc Báo in

Người giữ "hồn" văn hóa Mường

08:53, 28/03/2021

Am hiểu tường tận về văn hóa Mường, ông Nguyễn Văn Phú ở thôn 2 (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) đã nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và truyền lửa đam mê văn hóa truyền thống của cha ông cho thế hệ trẻ.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm thầy cúng, từ nhỏ ông Phú được bố chỉ dạy đầy đủ nghi thức tế lễ, các bài cúng và thường xuyên được bố cho đi theo giúp lễ mỗi khi các gia đình ở trong thôn, trong xã có việc cần đến. Hiện nay ông Phú đang cất giữ nhiều cuốn sách cổ của tổ tiên để lại. Với ông, đây là tài sản vô giá, vì lưu giữ nhiều giá trị về tâm linh, đạo đức, bản sắc văn hóa. Ông Phú thường sao chép, chắt lọc những nét độc đáo trong sách để truyền lại cho con cháu trong gia đình, dòng họ.

Ông Nguyễn Văn Phú hướng dẫn học viên nữ cách cầm dùi đánh chiêng.
Ông Nguyễn Văn Phú hướng dẫn học viên nữ cách cầm dùi đánh chiêng.

Trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Mường có nhiều lễ cúng như: mừng nhà mới, đám cưới, xuống đồng, mừng cơm mới… Mỗi nghi lễ có các bài cúng, yêu cầu chuẩn bị đồ cúng tế khác nhau. Thầy cúng là sứ giả có thể đem thông điệp linh thiêng của thần linh tới cộng đồng và truyền tải những lời khẩn cầu của bà con tới các vị thần linh. Vì vậy, để làm được thầy cúng phải là người có trí nhớ tốt, thật thà. Ăn nói đĩnh đạc, giọng đọc truyền cảm, nắm vững nghệ thuật diễn xướng từ cử chỉ, điệu bộ đến giọng nói.

 

Không chỉ tham gia sinh hoạt trong thôn, trong xã, các đội chiêng Mường (xã Hòa Thắng) còn được chọn đi giao lưu, diễn tấu trong những ngày hội giao lưu văn hóa của tỉnh. Đây là nguồn động viên, cổ vũ lớp trẻ gắn bó với cồng chiêng, từ đó có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống”.

 

Ông Nguyễn Văn Phú, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột)

Không chỉ am hiểu những nghi lễ cúng bái, ông Phú còn diễn tấu thành thạo các loại cồng chiêng. Đối với ông, tiếng cồng, tiếng chiêng đã thấm sâu vào máu thịt. Nhờ đi nhiều nơi, hiểu được giá trị của cồng chiêng đối với đời sống văn hóa tinh thần của người Mường nên ông Phú quyết tâm truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Dẫu bận rộn công việc gia đình, nhưng mỗi tuần ông Phú đều dành từ 3 - 4 buổi tối để dạy chiêng cho thanh thiếu niên tại hội trường thôn hoặc có khi là nhà riêng của ông.

Em Lê Thị Hồng Nhung ở thôn 2 (xã Hòa Thắng) luôn được khen ngợi vì nắm bắt nhanh nhịp điệu của từng bài chiêng cho biết, trong lúc dạy, ông Phú luôn lắng nghe từng nhịp chiêng, khi bị nhịp sai, ông sẽ nhắc nhở, hướng dẫn lại ngay. Nếu như trước đây, chỉ một số người lớn tuổi trong xã biết đánh chiêng thì giờ đây nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của ông Phú, xã Hòa Thắng đã có 3 đội chiêng Mường với hơn 45 thành viên tham gia. Trong ngày Tết cổ truyền, lễ hội đầu xuân, hay những chương trình văn hóa văn nghệ, xã Hòa Thắng lại nhộn nhịp, vui tươi trong âm thanh rộn rã, ngân vang của tiếng chiêng cùng giọng hát mượt mà, tha thiết của các làn điệu dân ca truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Phú cùng đội chiêng thôn 2 (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) chúc Tết các gia đình.
Ông Nguyễn Văn Phú cùng đội chiêng thôn 2 (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) chúc Tết các gia đình.

Ngoài các bài chiêng cổ, bài chiêng truyền thống đánh trong lễ hội, ông Phú còn sáng tạo, biến tấu nhiều bài chiêng khác nhau theo các điệu nhạc sôi động, tạo nên những âm thanh mới mẻ. Nhờ đó, những bài chiêng của người Mường (Hòa Thắng) càng trở nên hấp dẫn, mang hơi thở cuộc sống hiện đại và được lan tỏa rộng rãi hơn.

Quỳnh Như


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.