Multimedia Đọc Báo in

Thăm di tích Khu kháng chiến Hạ Lào

06:23, 22/01/2022

Trong kháng chiến chống Pháp giai đoạn từ năm 1948 - 1954, khu vực thôn Thạnh Đức, xã Tam Dân (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) từng là địa điểm đứng chân của Khu kháng chiến Hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung bộ.

Nơi đây là hậu cứ an toàn cho lực lượng vũ trang của Lào và quân tình nguyện Việt Nam, là biểu tượng của tình hữu nghị và đoàn kết đặc biệt trong sáng, thủy chung của nhân dân hai nước Việt - Lào...                    

Tháng 2/1949, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông nhân danh Chính phủ Lào cử đồng chí Khăm Tày Xi-phăn-don cùng với đồng chí Xi-thôn-côm-ma-dăm chỉ huy một trung đội quân Lào đi cùng một trung đội Việt Kiều mang công hàm của Chính phủ Lào sang Việt Nam gặp đồng chí Phạm Văn Đồng. Nội dung bức công hàm đề nghị Chính phủ ta giúp Lào thành lập khu kháng chiến Hạ Lào do đồng chí Xi-thôn-côm-ma-dăm làm Khu trưởng, đồng chí Xổm-ma-nô-viêng làm Chủ tịch chính quyền khu và đồng chí Khăm Tày Xi-phăn-don làm đại diện của Chính phủ Lào. Trước yêu cầu của nước bạn, xem việc giúp bạn cũng là tự giúp mình, đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Nguyễn Thế Lâm (Tư lệnh Khu V lúc bấy giờ) đã quyết định thành lập Khu căn cứ kháng chiến Hạ Lào. Đồng thời, phía ta cũng thành lập một đoàn cố vấn để giúp phía bạn. Tỉnh Quảng Nam được đồng chí Phạm Văn Đồng giao nhiệm vụ làm hậu phương, trực tiếp giúp đỡ các đơn vị của ta và bạn trên chiến trường Hạ Lào.

Sở chỉ huy Khu kháng chiến Hạ Lào đầu tiên đóng tại thôn Thạnh Đức, xã Tam Dân (nay là thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Năm 1950, nhằm đảm bảo cơ mật quân sự, Sở chỉ huy khu Hạ Lào chuyển đến khu vực thôn 5 (Khánh Tân) và Khánh Thọ Tây (Tam Thái) đóng đại bản doanh. Cuối năm 1950, Sở chỉ huy khu Hạ Lào tiếp tục chuyển về thôn Đàn Trung (Dương Đàn), xã Tam Dân, những năm sau đó Sở chỉ huy Khu Hạ Lào tiếp tục di chuyển đến nhiều nơi khác nhau trong tỉnh Quảng Nam như xã Tiên Phong, Tiên Mỹ (huyện Tiên Phước), Hiệp Đức rồi sau đó về đứng chân tại vùng Hạ Lào.

Đoàn cán bộ tỉnh Sê Kông (Lào) trong một lần đến thăm Khu Di tích kháng chiến Hạ Lào tại tỉnh Quảng Nam. 

Nhằm đảm bảo liên lạc và duy trì mối quan hệ thông suốt giữa Khu kháng chiến Hạ Lào với Khu ủy khu V và tỉnh Quảng Nam, giải quyết các yêu cầu của chiến trường cũng như tổ chức việc tiếp tế vận tải cho chiến trường; đón tiếp cán bộ chiến sĩ, thương bệnh binh Việt - Lào qua lại, phía Việt Nam đã quyết định thành lập một cơ quan đặc biệt đóng địa bàn hoạt động tại tỉnh Quảng Nam, đó là Phòng Biên chính miền Nam Trung bộ. Phòng Biên chính lấy bí danh là cơ quan 12, được tổ chức thành hai bộ phận là Văn phòng Hành chính - tổ chức và Quản trị - hậu cần. Khi mới thành lập, cơ quan Biên chính đóng ở Tân An (bên bờ sông Tranh, huyện Trà My), sau chuyển về xã Tiên Phong (huyện Tiên Phước). Nhưng để tiện cho việc đi lại, quan hệ với khu V, khu kháng chiến Hạ Lào và tỉnh Quảng Nam, Phòng Biên chính được chuyển về đóng ở xã Tam Dân (Tam Kỳ).

Từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1950 trở đi, Quảng Nam đã chi viện hàng trăm cán bộ huyện, xã có kinh nghiệm về công tác xây dựng cơ sở, dân vận, công tác phát động chiến tranh nhân dân. Hàng chục nghìn lượt dân công Quảng Nam phục vụ việc vận tải tiếp tế cho chiến trường Hạ Lào. Trong giai đoạn này, tỉnh Quảng Nam thực sự đã trở thành hậu phương vững chắc của chiến trường Hạ Lào và đã hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng, Khu ủy khu V, Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Trung bộ giao phó. Sự giúp đỡ nhiệt tình, vô tư cả nhân tài vật lực, xương máu, trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, thắm đậm nghĩa tình quốc tế của tỉnh Quảng Nam đối với khu căn cứ kháng chiến Hạ Lào đã góp phần vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở ba nước Đông Dương...

Hiện nay, Khu Di tích kháng chiến Hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung bộ đã được xây dựng tại khối phố Thạnh Đức (thị trấn Phú Thịnh) và thôn Dương Đàn, thôn Khánh Tân (xã Tam Dân, huyện Phú Ninh). Ngày 2/8/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã ra quyết định xếp hạng Khu kháng chiến Hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung bộ là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Trên cơ sở đó, Bộ VH-TT&DL cũng đã thống nhất cho tỉnh Quảng Nam lập dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích với các hạng mục bao gồm khôi phục lũy tre xưa bao bọc khu di tích, cánh đồng lúa, trồng cây xanh, phục hồi, tôn tạo cụm di tích gốc tại nhà ông Xã Thám, phục hồi dãy nhà cổ kiến trúc truyền thống Quảng Nam với các khu nhà in báo - tài liệu, khu kỹ thuật, ban hậu cần; khu nhà ở cho cán bộ cao cấp chuyện gia quân sự Việt - Lào; nhà làm việc của Trưởng khu Hạ Lào kết hợp với phòng trưng bày hình ảnh, hiện vật của khu di tích; xây dựng Quảng trường tượng đài hữu nghị Việt - Lào... Với sự quan tâm và đầu tư đó, hy vọng khu di tích sẽ trở thành một điểm đến cho những du khách muốn tìm hiểu về mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào trong những năm kháng chiến; là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hai nước Việt - Lào.

An Trường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.