Multimedia Đọc Báo in

Cây đa - chứng nhân cho lời giao kết của người M’nông

07:32, 12/09/2021

Buôn làng, núi rừng Tây Nguyên có nhiều cây cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm trở lên. Cây thường có thế đẹp, uy nghi, hùng vĩ, gắn liền với giá trị sâu sắc về khoa học, về môi trường, văn hóa, lịch sử dân tộc...

Có những cây cổ thụ như cây đa, cây sung ở đầu ghềnh thác, bìa rừng, bìa rẫy hay nằm kề bên bến nước của buôn làng. Người M’nông nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thường ví người già giống như “cây đa bến nước, cây sung đầu làng”. Nhiều cây cổ thụ kết thành rừng, bà con gìn giữ như khu rừng thiêng. Đặc biệt, nơi nào có cây đa cổ thụ thì đồng bào xem là chốn linh thiêng, có thần linh ngự trị, chi phối cuộc sống của dân làng.

Cây đa cổ thụ ở bon làng M'nông.

Đồng bào M’nông quan niệm tại đầu suối, đầu thác là có Thần, không được chặt cây, làm rẫy, làm nhà tại nơi này vì sợ khi phát rẫy sẽ xâm phạm ngôi nhà của Thần. Trong khu rừng được gia đình chọn để phát rẫy, nếu có cây đa (người M’nông gọi là jri) thì chỉ được chặt tỉa cành, không được chặt gốc vì cây đa có Thần. Chặt cây đa là phá hoại ngôi nhà của Thần, Thần cây đa sẽ trả thù làm cho người nhà hoặc bản thân ốm đau dây dưa. Nếu không cúng xin tạ lỗi Thần cây đa thì người bị ốm đau lâu ngày, gia đình xảy ra chuyện xui xẻo như tai nạn, hỏa hoạn hoặc hao tài mất của, nghèo đói.

Cây đa là nơi được người M’nông chọn để tiến hành các nghi lễ của cộng đồng như Lễ giao kết hòa giải (Tâm m’baih prêng). Ngày xưa thường có những vụ tranh chấp giữa bon này với bon khác, giữa gia tộc này với gia tộc khác gây ra xung đột kéo dài. Hai bên coi nhau như kẻ thù, tổ chức thành nhóm lén lút chém giết, cướp phá, phạt vạ lẫn nhau. Tình huống lúc đầu luôn rất căng thẳng, gây tổn thất, bất lợi cho cả hai bên. Về sau, hai bên muốn được yên ổn thì phải giải quyết dứt điểm tranh chấp, đi đến hòa giải. Khi hòa giải phải có sự giao kết, giao kết xong thì không tái diễn những mâu thuẫn, tranh chấp nữa. Giao kết là mức cuối cùng, ai phá giao kết là mắc tội phá hoại.

Lễ giao kết phải giết lợn hoặc trâu và thường tiến hành ở ngoài làng, gần gốc cây to, thường là cây đa đầu làng. Chém trâu giao kết không cần dựng nêu, chỉ cần chôn cọc cây gòn gai sống. Chém trâu xong hai bên cùng ăn thịt, uống rượu giao kết: Việc tranh chấp đến đây đã chấm dứt, từ nay không bên nào còn thắc mắc bên nào. Hai bên cùng mang xương hàm con trâu buộc vào cây đa. Đây là kỷ vật quan trọng nhất chứng kiến cho lời giao kết luôn được bền lâu như gốc đa. Nếu gốc cây đa mất thì lời giao kết mới mất.

Kỷ vật thứ hai có thể chứng kiến cho lễ giao kết là cọc chém trâu. Khi nào cọc chém trâu mất thì lời giao kết mất. Ngoài ra, người dân trong làng có mặt trong lễ giao kết cũng chứng giám. Ai sai lời hứa theo giao kết thì thần linh, bon làng sẽ xử phạt, bên nào khiếu nại không đúng thì bon làng không phân xử. Ai xâm phạm, chặt phá cây đa treo xương hàm ấy thì sẽ bị phạt vạ bằng hình thức chém một con trâu khác để khẳng định lời cam kết vẫn còn giá trị. Nếu lời cam kết trước kia mất giá trị vì chặt cây đa thì bắt người chặt phá cây đa phải chịu phạt thay người bị phạt. Người vi phạm, không giữ cam kết, sau khi trả hết nợ phạt phải trả thêm một cái ché to gọi là yăng ndăp (ché kết thúc).

Uống rượu cần trong lễ giao kết hòa giải.

Lễ giao kết cũng có nghĩa là biến đối thủ thành bạn thân. Hai đối thủ giao kết từ đó về sau phải xem nhau như bạn, dù có va chạm chút ít cũng phải bỏ qua, không được tranh chấp với nhau để khơi lại chuyện cũ, hoặc tìm mọi cách để trả thù nhau là không được. Bon làng hai bên luôn luôn theo dõi việc chấp hành giao kết cho thật tốt, giữ gìn sự đoàn kết với nhau.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc