Multimedia Đọc Báo in

Nhà trên cây của đồng bào Tây Nguyên

09:15, 22/08/2021

Cư dân Tây Nguyên sống dựa vào rừng núi. Phương thức mưu sinh cổ điển chủ yếu là khai thác tự nhiên như săn bắt, hái lượm, sau đó là kinh tế sản xuất, canh tác nương rẫy và chăn nuôi.

Bên cạnh nhà ở, nhà cộng đồng tại nơi cư trú, đồng bào còn sáng tạo những ngôi nhà ngoài rừng, nương rẫy để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, bảo quản hoa màu, lương thực và canh phòng như nhà kho lúa, chòi rẫy, nhà rẫy.

Lúc đầu, khi núi rừng còn hoang sơ, thú dữ hay tấn công người và phá hoại hoa màu thì những ngôi nhà làm trên cây ở ngoài rừng, ngoài rẫy có tác dụng hữu hiệu trong việc canh giữ, phòng vệ.

Ngôi nhà trên ngọn khóm tre những năm 1920. Ảnh: Albert Sallet

Đồng bào thường tận dụng những thân cây cao, có cành nhánh vững chắc để làm “cốt” và “trụ” nhà. Nhà được bố trí bên các nhánh cây lớn của một cây to, hoặc cây được chặt ngọn rồi làm nhà ngay lên trên đó. Khó nhất là chuyển những vật liệu như tranh, tre, nứa, lồ ô, mây lên cao để làm sàn nhà, mái, sườn nhà, phên vách. Mái, vách, sàn là chi tiết kiến trúc được chú trọng gia cố nhiều nhất. Nó phải có độ bền vững và hợp lý nhất định để vừa chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, trú mưa, tránh gió vừa đảm bảo an toàn cho người đang trú ngụ bên trong. Nhà trên cây có thang lên xuống. Thang thường đặt vào thân cây để có chỗ bám leo lên trèo xuống dễ dàng. Có nhà không cần dùng thang mà dựa vào những nhánh cây, hay cây tre để leo trèo. Nhà trên cây ở tạm qua đêm nên không cất giữ nhiều đồ đạc, chỉ có những vũ khí phòng thân. Người Êđê gọi nhà ở là sang, còn nhà chòi trên cây này là sang hma hay pưk mdõng.

Nhà trên cây thường được bố trí ở một tầm cao nhất định để có thể quan sát được xung quanh, nhất là nhìn thấy rõ khu rẫy nương cần được bảo vệ. Nếu thấy thú rừng kéo đến phá hoại nương rẫy như voi, heo rừng thì la ó, hoặc dùng công cụ phát ra âm thanh lớn để xua đuổi. Nếu gặp các loài thú dữ như cọp, beo, gấu dễ gây nguy hiểm đến tính mạng con người thì cố thủ trong ngôi nhà trên cây. Đây là cách canh phòng khá linh hoạt giúp người dân bảo vệ rẫy nương, nhất là thời điểm chuẩn bị thu hoạch lúa, ngô, bầu bí, mía…

Ngôi nhà trên ngọn cây những năm 1950. Ảnh: Jean- Marie Duchange

Bên cạnh làm nhà trên cây, đồng bào còn làm loại nhà sàn cao 3 - 4 mét ở ngoài rừng, nương rẫy để cất giữ lương thực, hoa màu và ở tạm khi xa buôn làng. Đồng bào Êđê gọi nhà/chòi để lúa là hjiê. Chòi được làm bằng các nguyên vật liệu sẵn có của núi rừng như: gỗ, tre, nứa, tranh, mây… Chòi rẫy gần giống như một ngôi nhà thu nhỏ. Trong chòi có kho đựng lúa, có nơi nghỉ ngơi, có bếp lửa, có bầu đựng nước, vài ba ché rượu nhỏ và các công cụ lao động (xà gạc, rìu, cào cỏ, cuốc, ống đựng lúa giống, cây chọc lỗ trỉa hạt…) cùng chiếc nỏ, cung, tên, giáo mác để hộ thân. Nhà để lúa ngoài rẫy nhằm phòng hỏa hoạn, chống chuột bọ phá hoại và tiện lợi trong việc thu hoạch, vận chuyển bởi nương rẫy thường rất xa làng, rẫy lớn vài héc-ta không thể gùi gánh nông sản một lúc về làng.

Nhà trên cây là loại kiến trúc của cư dân nông nghiệp lúa rẫy, thể hiện lối sống phóng khoáng, gắn bó thân thiết của con người với thiên nhiên, núi rừng. Kiểu nhà này ngày nay không còn hiện hữu ở các buôn làng Tây Nguyên, chỉ còn thấy trong tư liệu hình ảnh được các nhà nhiếp ảnh, họa sĩ chụp và vẽ lại vào thế kỷ trước hoặc ở một số khu nghỉ dưỡng, resort phục dựng nhằm giúp du khách được trải nghiệm, trở về với nếp sống của buôn làng xa xưa…

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.