Multimedia Đọc Báo in

Chống vi phạm sở hữu trí tuệ: Vẫn còn nhiều khó khăn

08:01, 01/06/2023

Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sỡ hữu trí tuệ (SHTT) đang là vấn nạn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, việc chống các hành vi vi phạm ở lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

“Mạnh tay” với hành vi xâm phạm

Xâm phạm quyền SHTT diễn ra ngày càng phức tạp, ở nhiều lĩnh vực. Nhất là trong thời đại công nghệ số, doanh nghiệp càng đối diện với nhiều nguy cơ bị xâm phạm quyền SHTT.

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản N&H (TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng, khi tham gia sâu vào thị trường thì cam kết về quyền SHTT được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Ngay từ khi mới thành lập, công ty đã chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký tem QR code..., thế nhưng sản phẩm của đơn vị đang đối diện với nguy cơ bị xâm phạm. Mới đây, công ty phát hiện có sản phẩm của doanh nghiệp khác tương tự sản phẩm của đơn vị mình, trên bao bì ghi là sản xuất tại Công ty Cổ phần Nông sản N&H.

Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk) kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sỡ hữu trí tuệ được bày bán tại một cơ sở kinh doanh ở thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc).

Xâm phạm quyền SHTT đang là một trong những hình thức gian lận thương mại diễn biến phức tạp trên cả phương thức kinh doanh truyền thống và kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử (TMĐT). Mới đây, ngày 11/5, qua theo dõi việc kinh doanh hàng hóa trên nền tảng TMĐT, Tổ công tác TMĐT thuộc Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đắk Lắk phát hiện cơ sở do ông Lâm Minh Thức (số 47 Nguyễn Đức Cảnh, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đang trưng bày nhiều giày thể thao có nhãn hiệu NIKE và hình (được bảo hộ dùng cho mặt hàng giày dép, theo bản sao của Đăng bạ nhãn hiệu hàng hóa quốc gia số 3440 tại Công văn số 2771/SHTT-SCVB của Cục SHTT ngày 6/4/2021) mà không được sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu. Ông Thức khai nhận mua hàng hóa trôi nổi trên thị trường, sau đó đăng tải lên Facebook cá nhân để bán kiểm lời.

Chống vi phạm ở lĩnh vực này, từ năm 2021 đến nay, Cục QLTT Đắk Lắk xử phạt 47 hành vi vi phạm liên quan đến SHTT, thu nộp ngân sách hơn 1,1 tỷ đồng, giá trị hàng hóa tịch thu, tiêu hủy gần 445 triệu đồng. Ngoài ra, Cục QLTT Đắk Lắk còn chuyển một vụ về giả mạo nhãn hiệu sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định.

Thách thức trong thực thi, xử lý

Dù lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng vi phạm ở lĩnh vực SHTT vẫn diễn ra. “Cuộc chiến” ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT chưa bao giờ là dễ dàng.

Ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục QLTT Đắk Lắk chia sẻ, công tác thực thi quyền SHTT dù đã được đơn vị tích cực triển khai, đạt một số kết quả nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là quy trình kiểm tra còn nhiều vướng mắc.

Cụ thể, khi phát hiện dấu hiệu hành vi vi phạm về SHTT, lực lượng chức năng cần phải có biện pháp ngăn chặn là tạm giữ tang vật. Tuy nhiên, việc tạm giữ tang vật đòi hỏi phải có đủ căn cứ về hành vi vi phạm hành chính. Việc này cần phải có xác nhận của chủ thể quyền sở hữu hoặc các kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Nhưng chừng đó thời gian, đủ tạo cơ hội cho người vi phạm tẩu tán tang vật.

Chưa kể, công tác giám định SHTT mất nhiều thời gian, chi phí cao cũng ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình xử lý của lực lượng chức năng.

Tập huấn phân biệt hàng thật - giả cho lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị liên quan.

Thêm vào đó, một số chủ thể quyền còn thiếu hợp tác với lực lượng chức năng do lo sợ thông tin sản phẩm bị làm giả có mặt trên thị trường, làm cho người tiêu dùng e ngại đối với sản phẩm của họ. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sản xuất, buôn bán hàng hóa vi phạm vẫn tồn tại và ngày càng mở rộng quy mô hoạt động.

Đặc biệt, thời gian gần đây, vi phạm về lĩnh vực SHTT trên môi trường TMĐT ngày càng gia tăng, trong khi đó các đối tượng kinh doanh trên môi trường TMĐT thường không có địa điểm cố định, thay đổi nhiều tài khoản bán hàng trên Facebook, Tiktok... Điều này đặt ra một thách thức không nhỏ đối với lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử lý.

Cục QLTT nhận định, việc nâng cao khả năng thực thi quyền SHTT là một trong những yêu cầu quan trọng trong công tác bảo vệ quyền SHTT. Để giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp làm ăn chân chính thì công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT được xác định là nhiệm vụ chính, trọng tâm của toàn lực lượng. Bên cạnh nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng liên quan trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm ở lĩnh vực hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT; đẩy mạnh công tác theo dõi, kiểm tra ở những điểm kinh doanh cố định và kinh doanh trực tuyến, trên nền tảng số.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc