Multimedia Đọc Báo in

Giám sát việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại huyện Krông Năng

17:21, 02/02/2023

Ngày 2/2, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do bà Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại huyện Krông Năng.

Huyện Krông Năng hiện có 59 trường học do UBND huyện quản lý. Trong đó có 20 trường mầm non, 23 trường tiểu học, 12 trường THCS, 3 trường tiểu học và THCS, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú - THCS và 30 cơ sở mầm non tư thục; với 918 lớp, 883 phòng học, 28.590 học sinh.

1
Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng đoàn giám sát Lê Thị Thanh Xuân phát biểu ý kiến trong buổi làm việc với UBND huyện Krông Năng.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 88, Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, huyện Krông Năng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ban, ngành trong toàn huyện; huy động nhiều nguồn lực phục vụ công tác giáo dục, cơ sở trường lớp từng bước được đầu tư theo hướng kiên cố, đạt chuẩn; tỷ lệ giáo viên/lớp cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; học sinh đã tích cực tham gia học, đạt được các yêu cầu cơ bản của các môn học và các hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện gặp không ít khó khăn vướng mắc, như: cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu, chưa đồng bộ; cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng thừa thiếu cục bộ ở một số bộ môn, thừa nhiều giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, thể dục nhưng thiếu giáo viên tin học, Anh văn; nội dung sách giáo khoa còn khá nặng so với năng lực chung của học sinh tại địa phương…

1
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Trần Minh Châu tham gia ý kiến tại buổi giám sát.

UBND huyện Krông Năng kiến nghị một số nội dung: các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm đầu tư cung ứng đầy đủ, kịp thời thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định về cơ sở vật chất để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa; tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đặc biệc là giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên và tích hợp.

1
Đoàn công tác khảo sát thực tế tại Trường Phổ thông dân tộc Nội trú - THCS huyện Krông Năng.

Phát biểu ý kiến tại buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng đoàn giám sát Lê Thị Thanh Xuân ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của huyện Krông Năng, cũng như các trường học trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đồng thời đề nghị huyện cố gắng khắc phục khó khăn về thiếu trang thiết bị, đồ dùng học tập, đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo, tập huấn kịp thời của các nhà trường, địa phương để triển khai chương trình theo đúng tiến độ; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đối với những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của địa phương, Đoàn sẽ phân tích, đánh giá, tổng hợp xây dựng báo cáo gửi đến Quốc hội theo quy định.

1
Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng đoàn giám sát Lê Thị Thanh Xuân phát biểu trong buổi khảo sát tại Trường Tiểu học Ea Hồ (xã Ea Hồ).

Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học Ea Hồ (xã Ea Hồ), Trường Phổ thông dân tộc Nội trú - THCS huyện Krông Năng và Trường THPT Phan Bội Châu (thị trấn Krông Năng) để nắm tình hình thực tế, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và những ý kiến, đề xuất của từng trường về cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ giáo viên để bảo đảm lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.