Multimedia Đọc Báo in

Tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19

15:06, 29/06/2022

Sáng 29/6, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác y tế nhằm giải quyết một số nội dung liên quan đến thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các địa phương; khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội lĩnh vực y tế; tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh; Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị hữu quan.

Theo báo cáo tại Hội nghị, qua khảo sát nhanh của Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), 75% đơn vị được khảo sát báo cáo có tình hình thiếu thuốc. Một số loại thuốc thiếu thường xuyên như: thuốc kháng sinh điều trị bệnh nhân nặng, thuốc hướng thần, một số thuốc tim mạch, thuốc điều trị sốt xuất huyết, vị thuốc y học cổ truyền… Tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất cũng xảy ra tại một số cơ sở y tế cả tuyến địa phương và trung ương, trong đó chủ yếu là thiếu trang thiết bị phòng mổ, hóa chất dùng xét nghiệm, một số trang thiết bị y tế chuyên sâu.

Nguyên nhân thiếu thuốc vật tư y tế được Bộ Y tế đánh giá là do nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng sau 2 năm bị dịch COVID-19. Đồng thời, cũng do tác động của dịch COVID-19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn khiến nhiên liệu bị thiếu, hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng gây khó khăn cho việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm…

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Đối với Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội lĩnh vực y tế, Vụ Kế hoạch - Tài chính cũng đã công bố tiêu chí, tiêu chuẩn liên quan đến việc lựa chọn phân bổ nguồn vốn thuộc chương trình từ tuyến xã đến trung ương.

Về tiến độ triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, từ tháng 3-2021 đến ngày 28-6-2022, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 251 triệu liều vắc xin, đáp ứng đủ để tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên; đang triển khai tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, tiến độ tiêm mũi 3 có xu hướng chậm, và việc triển khai tiêm vắc xin liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng chậm hơn so với lộ trình.

Tại hội nghị, các địa phương, đơn vị cũng nêu ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; khó khăn trong thanh toán bảo hiểm y tế; làm rõ nguyên nhân tiến độ tiêm vắc xin chậm… Các đơn vị địa phương cũng đề nghị Bộ Y tế cần sớm có quy định cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, đảm bảo không để lãng phí vắc xin, gây ảnh hưởng và lãng phí ngân sách nhà nước, đảm bảo tất cả những người nằm trong đối tượng tiêm chủng phải được tiêm vắc xin. Đồng thời nhanh chóng rà soát theo các tiêu chí, xây dựng dự án Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực y tế gửi về Bộ Y tế trước ngày 4-7.

Đối với việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ về việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Những đề xuất, kiến nghị các địa phương, đơn vị tại hội nghị, Bộ Y tế sẽ tiếp thu và cố gắng triển khai kịp thời biện pháp tháo gỡ, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉnh sửa các văn bản thuộc thẩm quyền cho phù hợp.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Y Ngông Niê KĐăm - Cánh chim của đại ngàn Tây Nguyên
Nơi ấy đã sinh ra một người con ưu tú như chàng Đam San dũng mãnh, thiết tha yêu quê hương, yêu cuộc sống buôn làng. Ông như cánh chim đại ngàn không mỏi, bay khắp đất trời quê hương cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, cho sự phát triển của Tây Nguyên giàu đẹp. Ông chính là Nhà giáo Nhân dân, bác sĩ Y Ngông Niê KĐăm.