Multimedia Đọc Báo in

Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0

16:11, 06/12/2021

Sáng 6/12, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với một số bộ, ngành Trung ương tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0, với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID–19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số”.

Chủ trì Diễn đàn có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Tham dự Diễn đàn tại điểm cầu Trung ương còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện một số sở, ban, ngành liên quan.

ảnh
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: VOV)

Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 là diễn đàn có quy mô lớn nhất về Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Diễn đàn đã tổ chức thành công chuỗi 10 phiên hội thảo chuyên đề (diễn ra từ ngày 9/11 đến 18/11/2021). Bao gồm: Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Phát triển sản xuất thông minh; Phát triển đô thị thông minh; Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới; Phát triển các mô hình kinh doanh mới; Xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số; Phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số; Chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn; Phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các buổi hội thảo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đã thu hút sự tham dự đông đảo đại biểu từ các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, với 7.995 lượt người tham dự.

Tại phiên toàn thể, với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID–19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số”, đại diện các bộ, ngành Trung ương, chuyên gia của các tổ chức quốc tế đã thảo luận xoay quanh các chuyên đề: Khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với chiến lược phòng, chống dịch COVID-19; Tương lai kinh tế toàn cầu hậu COVID-19 và các gợi ý chính sách cho Việt Nam; Đổi mới sáng tạo – chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu COVID-19; Thảo luận, góp ý đối với khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam gắn với phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2021 - 2023; Công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số…

ảnh
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.

Diễn đàn cũng đã ghi nhận nhiều đề xuất, kiến nghị về mô hình, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển và có thu nhập cao, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực châu Á.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: việc thích ứng và phát triển của một quốc gia trước tác động của đại dịch COVID-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách vừa lâu dài, cần có tầm nhìn, giải pháp phù hợp và linh hoạt.

Đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang tập trung hoàn thiện chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19 và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch với phương châm: thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế; tăng cường hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng... Đồng thời, khôi phục nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động và thúc đẩy các động lực tăng trưởng; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược trên nền tảng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.