Multimedia Đọc Báo in

Tân Thủ tướng Anh và những bài toán “hóc búa”

07:48, 30/10/2022

Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã chính thức trở thành Thủ tướng thứ 57 của nước Anh sau khi diện kiến Vua Charles III tại Cung điện Buckingham ngày 25/10. Như vậy là chỉ chưa đầy 2 tháng, nước Anh đã có thủ tướng thứ ba.

Trên cương vị mới, ông Sunak sẽ "thừa kế" một nền kinh tế vốn đang trên đà suy thoái ngay cả trước khi xảy ra những bất ổn kinh tế và chính trị trong hơn 40 ngày bà Liz Truss cầm quyền. Trước đó, nữ Thủ tướng Liz Truss đã từ chức sau khi các chính sách cắt giảm thuế của bà gây ra những cơn chấn động trên khắp các thị trường, khiến giá đồng bảng Anh lao dốc.

Hôm 25/10, tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã cam kết "sửa chữa những sai lầm" của chính phủ tiền nhiệm và khôi phục sự ổn định kinh tế của đất nước, đồng thời cảnh báo sẽ có "những quyết định khó khăn". Theo ông Sunak, chính phủ của bà Liz Truss không sai khi muốn cải thiện tốc độ tăng trưởng, nhấn mạnh đó là một "mục đích cao cả" nhưng cũng đã dẫn tới nhiều sai lầm.

Nỗ lực của bà Truss trong việc sử dụng các khoản vay để bù đắp cho khoản hụt do cắt giảm thuế đã đẩy đồng bảng Anh xuống mức thấp nhất trong 37 năm so với đồng USD, đồng thời đẩy chi phí đi vay và lãi suất thế chấp của chính phủ lên cao.

Vua Charles III (bên trái) bổ nhiệm ông Rishi Sunak làm Thủ tướng Anh tại buổi lễ ở Điện Buckingham ngày 25/10/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thủ tướng Sunak nói rằng ông đã được bầu vào vị trí này để "sửa chữa" những sai lầm đó. Ông khẳng định sẽ đặt sự ổn định kinh tế và niềm tin làm trọng tâm của chương trình nghị sự chính phủ, đồng thời cảnh báo rằng điều đó đồng nghĩa sẽ có những quyết định khó khăn trong thời gian tới.

Theo giới phân tích, nhận nhiệm sở trong tình hình rối ren hiện nay, tân Thủ tướng Sunak phải nhanh chóng tìm lời giải cho những “bài toán” khó gồm ổn định nội bộ, giải quyết khủng hoảng tài chính công, kiềm chế lạm phát đang leo thang, hóa đơn năng lượng tăng vọt và nguy cơ thiếu điện trong năm 2023, vấn đề thực thi Nghị định thư Bắc Ireland, xung đột Nga - Ukraine...

Ưu tiên đầu tiên và lớn nhất của chính phủ mới tại Anh đương nhiên là việc ổn định nền kinh tế, ngăn chặn lạm phát, đẩy lùi nguy cơ suy thoái. Đây chính là lý do ông Rishi Sunak được lựa chọn và cũng là thế mạnh lớn nhất của ông. Hiện nay ngân sách Anh đang đối mặt với khoản thâm hụt khoảng 40 tỷ bảng và ông Rishi Sunak cùng Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt sẽ phải trình bày một kế hoạch mới bù đắp cho khoản thâm hụt đó. Trong chương trình tranh cử mùa hè, ông Rishi Sunak đã nêu ưu tiên kiểm soát chặt kỷ luật ngân sách, kiềm chế nợ công, do đó nhiều khả năng chính phủ mới của Anh sẽ phải tiếp tục cắt giảm một số chi tiêu, ngừng cắt giảm thuế, thậm chí là tăng thuế để bù đắp thâm hụt ngân sách.

 

Tân Thủ tướng Sunak đối mặt với những thách thức lớn, nhưng cũng sẽ là cơ hội để nhà lãnh đạo trẻ thể hiện năng lực. Giải quyết được các vấn đề này sẽ mang ý nghĩa sống còn, quyết định tương lai, không chỉ của ông Sunak mà còn của cả đảng Bảo thủ cầm quyền trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử sắp cận kề và các đảng chính trị đối lập đang liên tục gây sức ép để tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn.

Tiếp đến, chính phủ của ông Rishi Sunak sẽ phải giải quyết bài toán tỷ lệ lạm phát ở mức hai chữ số, dẫn đến các phong trào đình công trong rất nhiều ngành nghề, đe dọa có thể làm tê liệt hoạt động kinh tế tại Anh trong mùa đông tới. Vấn đề trợ cấp hóa đơn năng lượng cũng sẽ cần được thảo luận tiếp.

Trong chương trình hành động được Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đưa ra tuần trước, chính phủ Anh cam kết trợ giá hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình Anh đến tháng 4/2023, tức chỉ trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, chính sách trợ giá nào được áp dụng sau 6 tháng nữa vẫn là dấu hỏi lớn mà chính phủ của ông Rishi Sunak cần đưa ra lời giải đáp rõ ràng bởi giá năng lượng cao không chỉ đẩy nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình vào tình cảnh kinh tế khó khăn mà còn có nguy cơ gây ra bất ổn xã hội rất lớn.

Y tế sẽ là ưu tiên tiếp theo. Hiện nay, Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) Anh đang phải chịu sức ép rất lớn cả về tài chính và nhân lực và được dự báo sẽ đối mặt với khủng hoảng lớn trong mùa đông này khi cả dịch cúm mùa lẫn COVID-19 ập đến.

Về mặt đối ngoại, ông Rishi Sunak sẽ tiếp tục kế thừa thách thức từ các đời chính phủ trước là việc ứng phó xung đột Nga - Ukraine và các hệ lụy từ khủng hoảng nguồn cung năng lượng, tranh cãi về việc gia tăng ngân sách quốc phòng lên mức 3% GDP vào năm 2030 hay việc có đưa ngân sách viện trợ quốc tế trở lại mức 0,7% GDP hay không. Việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến vấn đề Bắc Ireland trong thỏa thuận Brexit với EU cũng cần phải được thực hiện dứt điểm. Về tổng thể, chính phủ của ông Rishi Sunak sẽ đối mặt với các thách thức được xem là nghiêm trọng nhất với nước Anh từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và các thách thức này đang ngày càng lớn hơn.

Những thách thức đầu tiên sẽ là tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Anh đối với Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc (COP27), dự kiến diễn ra tại Ai Cập đầu tháng sau, trong bối cảnh Anh dự định mở rộng khai thác dầu khí tại Biển Bắc...

Hồng Hà (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc