Multimedia Đọc Báo in

Cần tận dụng cơ hội để nâng cao tính bền vững của ngành hàng

07:42, 20/03/2024

Giá các mặt hàng nông sản của Đắk Lắk tăng cao đã tạo ra nhiều cơ hội gia tăng giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời cũng tạo ra thách thức trước yêu cầu phát triển bền vững của nền nông nghiệp tỉnh nhà. Dưới đây là một số ý kiến của người sản xuất, doanh nghiệp và chuyên gia về vấn đề này.

 

♦ Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột: Cần làm tốt chiến lược quảng bá sản phẩm

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, ngành cà phê thế giới đã qua cái thời cà phê giá rẻ. Bao nhiêu năm nay, người tiêu dùng uống cà phê giá rẻ, trả cho người nông dân giá rẻ và người hưởng lợi là các khâu trung gian.

Hiện giá cà phê tăng cũng là lẽ công bằng, có vậy người nông dân mới gắn bó được với cây cà phê, mới sống thịnh vượng được.

Có lẽ sau đợt này, chuyện cà phê giá rẻ sẽ không còn nữa; giá cũng có thể lên xuống, nhưng không thể xuống đáy như những năm vừa qua. Và giải pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại ở các thị trường cho thật tốt để người tiêu dùng biết đến câu chuyện làm cà phê và thương hiệu cà phê của Buôn Ma Thuột và Việt Nam.

 

Ông Đặng Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Huy Hùng (huyện Cư M'gar): Cùng liên kết phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững

Là đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh mặt hàng cà phê hữu cơ nên đứng trước việc cà phê tăng giá nhanh như hiện nay, doanh nghiệp cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng nhất định, đặc biệt là vấn đề sụt giảm đơn hàng. Để khắc phục được tình trạng này, đơn vị sẽ tăng cường tương tác với khách hàng, nhất là về thông tin thị trường.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động marketing để đưa sản phẩm uy tín, chất lượng đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất để giảm bớt sự tác động của “bão giá” là doanh nghiệp và người nông dân cần cùng nhau liên kết phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng chứ không mở rộng diện tích ồ ạt hoặc chạy theo giá nông sản rồi lại lặp điệp khúc “chặt - trồng”, “trồng - chặt”.

 

Ông Nguyễn Hữu Tạo, nông dân xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc): Nông dân cần quan tâm nâng cao chất lượng nông sản

Trên thực tế, khi giá nông sản tăng cao vẫn có không ít hộ dân chạy theo sản lượng bằng việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để tăng năng suất nhằm tăng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, một số hộ lo sợ giá cả có thể sụt giảm nên tranh thủ hái xanh để bán, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Do đó, để việc trồng cà phê phát triển bền vững, người nông dân cần phải thay đổi tư duy sản xuất, tập trung đầu tư canh tác theo hướng an toàn, hữu cơ nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, có chất lượng cao. Đồng thời, tích cực tham gia vào các tổ chức liên kết sản xuất có chứng nhận, các mô hình liên kết chuỗi theo một tiêu chuẩn thống nhất nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường cũng như đồng chia sẻ lợi ích, rủi ro khi có biến động về giá cả.

 Mai Lê Minh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.