Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa: Còn nhiều bất cập

07:54, 11/08/2022

Thời gian qua, cùng với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, việc quản lý, bảo đảm TTATGT đường thủy được lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh chú trọng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác này trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập…

Phương tiện hoạt động tự phát

Đắk Lắk có trên 500 km đường sông (gồm các sông: Krông Ana, Krông Nô, Sêrêpốk, Krông Pách, Krông Bông, Ea H’leo, Krông H’Năng và Krông Búk), trên 500 hồ nước tự nhiên và nhân tạo lớn, nhỏ, với 47.000 ha mặt nước. Các sông, suối trên địa bàn tỉnh chủ yếu có địa hình dốc, khúc khuỷu, nhiều ghềnh đá.

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 phương tiện thủy, trong đó có 127 phương tiện có gắn động cơ trên 15 sức ngựa (sức chở từ 15 - 200 m3, chủ yếu là tàu khai thác, vận chuyển cát), còn lại là tàu thuyền có trọng tải, công suất nhỏ do người dân tự đóng hoặc thuê các cơ sở cơ khí đóng, lắp ráp. Đáng chú ý, đa số các phương tiện chưa được đăng ký, quản lý, chỉ có số ít tàu khai thác, vận chuyển cát (89 chiếc) có đăng ký, đăng kiểm nhưng đã hết hạn kiểm định an toàn kỹ thuật.

Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh) tuần tra kiểm soát trên sông Krông Ana.

Trên thực tế, hoạt động giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh chủ yếu hoạt động trên 3 tuyến sông chính (Krông Ana, Krông Nô và Sêrêpốk) để chở nông sản theo mùa vụ, chở cát, chở người qua sông, mật độ phương tiện tham gia giao thông thưa thớt, chiếm tỷ trọng vận tải hàng hóa không đáng kể so với đường bộ.

 

Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng CSGT, Công an tỉnh) cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, qua công tác TTKS, cán bộ, chiến sĩ của Đội đã trực tiếp nhắc nhở, tuyên truyền cho 550 lượt người tham gia giao thông đường thủy, người lái tàu, lái đò… chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa. Ngoài ra, tổ chức ký cam kết không vi phạm TTATGT đường thủy nội địa đối với 48 cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch trên sông, hồ, bến đò.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng người dân tự phát sử dụng môtô nước, thuyền gắn động cơ nhỏ (từ 5 - 15 sức ngựa) phục vụ di chuyển, vui chơi, giải trí, kinh doanh du lịch trên mặt nước của các hồ, đập. Hầu hết các phương tiện này đều chưa trang bị áo phao, thiếu các thiết bị an toàn, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm. Bên cạnh đó, một số người điều khiển phương tiện nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa còn hạn chế, chưa có nhiều kiến thức chuyên môn, kỹ năng xử lý tình huống, công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố bất ngờ hoặc tai nạn giao thông đường thủy. Đây là nguy cơ lớn đối với việc bảo đảm ATGT thủy nội địa.

Cần sớm quy hoạch luồng, tuyến

Đến nay, tỉnh Đắk Lắk chưa phê duyệt quy hoạch hệ thống giao thông đường thủy nội địa, chưa có quy hoạch luồng tuyến dẫn tới việc tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Thực tế, không ít lần cán bộ Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh) TTKS trên sông Krông Ana thì một số người điều khiển tàu, thuyền đối phó bằng cách di chuyển sang phía sông Krông Nô thuộc địa phận của tỉnh Đắk Nông để né tránh kiểm tra. Thêm vào đó, việc phối hợp kiểm tra, khảo sát, rà soát và cấp phép của cơ quan quản lý chuyên ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đối với hoạt động tự phát trên tuyến đường thủy nội địa chưa được tiến hành thường xuyên. Công tác quản lý phương tiện thủy chưa chủ động, chưa có giải pháp hỗ trợ các chủ phương tiện thực hiện việc đăng ký, kiểm định an toàn kỹ thuật. Hơn nữa, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ quan thẩm quyền kiểm định phương tiện thủy, mỗi lần đến thời hạn đăng kiểm chủ phương tiện phải mời Chi Cục đăng kiểm số 5 (đóng tại tỉnh Khánh Hòa) đến kiểm định, dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện và tốn kém chi phí. Đối với các phương tiện nhỏ, thô sơ, việc quản lý thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện, xã hầu như còn bỏ ngỏ.

Cán bộ Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh) kiểm tra sổ ghi chép hành khách của chủ thuyền tại bến đò Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana.

Trung tá Lương Xuân Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy cho biết, trước thực trạng và nguy cơ tiềm ẩn mất TTATGT đường thủy, Công an tỉnh đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành giao thông vận tải thực hiện khảo sát, báo cáo để quy hoạch, xây dựng, quản lý kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Đồng thời sớm có phương án tham mưu UBND tỉnh xây dựng, phê duyệt quy hoạch hệ thống giao thông đường thủy nội địa. Trên cơ sở đó, phối hợp các cơ quan chức năng, UBND cấp huyện, xã, tổ chức quản lý luồng, tuyến, kiểm tra, khảo sát, phân loại, hướng dẫn chủ bến thủy nội địa, khu neo đậu phương tiện, bãi tập kết, hoàn tất thủ tục cấp phép hoặc xóa bỏ những bến, bãi tự phát, không phép. Đồng thời phối hợp kiểm tra tất cả các phương tiện giao thông thủy trên các hồ, đập, sông, suối, phòng ngừa xảy ra tai nạn do phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, quản lý hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa theo quy định. Chỉ đạo UBND cấp huyện, sớm tổ chức thực hiện đăng ký, quản lý và hướng dẫn cơ quan quản lý giao thông cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện đăng ký phương tiện thủy nội địa theo quy định. Tổ chức quản lý đối với sông, suối, hồ, đầm trên địa bàn chưa được đầu tư xây dựng, công bố mở luồng mà có hoạt động vận tải nhằm bảo đảm TTATGT đường thủy. Tăng cường công tác quản lý các cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không có Giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép hành nghề theo quy định pháp luật.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.