Multimedia Đọc Báo in

Sau những nông nổi...

08:19, 23/05/2023

Cách đây chưa lâu, xuất phát từ tranh chấp quyền lợi giữa người dân và doanh nghiệp, một số đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở buôn Ea Mấp và buôn Lang (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) đã tham gia hủy hoại tài sản của Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk. Bao nhiêu người bị bắt tạm giam là bấy nhiêu câu chuyện buồn nơi từng nóc nhà...

"Vết loang" từ sự nông nổi

Trong căn nhà cấp 4 đã cũ, lòng ông Y Thiêng Rya (buôn Ea Mấp) mênh mang buồn. Vợ chồng ông chỉ có một đứa con gái; lấy chồng rồi đẻ 5 đứa con. Bình thường, ngoài nhận khoán sản xuất với Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk (gọi tắt là Công ty), vợ chồng con gái ông còn đi làm thuê kiếm tiền nuôi các con. Cuối tháng 4/2023, con rể Y Lương Hlong nông nổi đã tham gia cùng một số người dân trong buôn Ea Mấp chặt phá cà phê, gây tổn hại nghiêm trọng đến tài sản của Công ty và bị bắt tạm giam. Chưa biết việc xét xử ra sao nhưng nhìn con gái gồng gánh lo cho 5 đứa con nhỏ, lòng ông như “xát” muối. Ông Y Thiêng thừa nhận: “Con rể tham gia hủy hoại tài sản của doanh nghiệp thì rõ ràng sai rồi. Từ hôm xảy ra chuyện đến nay, tôi nhiều lần phân tích, chỉ ra cái sai, cái đúng, động viên con gái bình tĩnh, cố lo làm lụng để nuôi con, chờ ngày chồng về”.

Công an thị trấn Ea Pốk gặp gỡ, phân tích để người dân buôn Lang hiểu rõ bản chất sự việc.

Buôn Ea Mấp có chung trục đường chính dẫn vào buôn Lang, nỗi buồn cũng theo đó nối dài thêm. Chuyện không mong muốn xảy ra khiến ông Y Thiên Êban, Bí thư Chi bộ buôn Lang không ngủ được suốt mấy đêm. Ông trần tình, một số người dân trong buôn hiểu chưa đúng, bảo ông không bênh vực họ, không bảo vệ dân làng. Nhưng xuất phát từ việc không đồng tình với phương án chuyển đổi cây trồng, đòi đất thuộc quyền sử dụng của Công ty mà bà con suy nghĩ sai lệch, bị kích động rồi kéo nhau đi đập phá tài sản thì đã sai hoàn toàn.“Tôi đã từng nói, từng nhắc nhở, vậy mà một vài người cố chấp không nghe nên cơ sự mới buồn đến như vậy. Biết mình không đúng thì sửa, đã sai thì đừng bao giờ tái phạm, tôi giải thích, khuyên nhủ bà con chọn con đường cho đúng mà đi. Nhiều người đã hiểu việc làm mình là sai trái, được sự động viên kịp thời, hiện họ đã ổn định cuộc sống”, ông Y Thiên cho biết.

Mấy chục năm gắn bó với buôn làng, ông Y Tha Mlô, Bí thư Chi bộ buôn Ea Mấp thấy rõ buôn làng đã thay đổi nhiều. Trong số 560 hộ trong buôn thì chỉ còn 15 hộ nghèo. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Không chỉ làm đường, kéo điện, Nhà nước còn cho vay vốn ưu đãi. Nhiều người đã xây nhà kiên cố, có ti vi, xe máy, trẻ em đến trường học hành.

Cũng như buôn Ea Mấp, từ trong nghèo khó, 100% đồng bào Êđê ở buôn Lang đoàn kết, nỗ lực làm ăn, phát triển cùng với các buôn làng lân cận. Trong số 260 hộ dân ở buôn hiện chỉ còn 8 hộ chưa thoát được nghèo. Cuộc sống của dân làng bình yên cho đến khi nhiều người dân bị kẻ cầm đầu kích động, hủy hoại tài sản ngay chính mảnh đất mình canh tác. Ông Y Ner B’Krông, ngoài 70 tuổi, theo vợ về làm rể ở buôn Lang đã hơn 30 năm nay chia sẻ, buôn làng chưa bao giờ buồn đến vậy. Đàn ông vi phạm pháp luật bị bắt đi, gia đình không có người làm, vợ con ở nhà không ai chăm sóc. Ông tâm tình: “Tranh chấp quyền lợi giữa người dân và doanh nghiệp, trong đó có nguyên nhân do bà con ít đất sản xuất, lại đông con nên cuộc sống eo hẹp, sinh ra nông nổi. Tôi rất mong Nhà nước khoan hồng với những người bị bắt để họ sớm về với gia đình; đồng thời chính quyền địa phương tiếp tục có giải pháp hỗ trợ bà con vươn lên làm kinh tế”.

Để bà con không bị kẻ xấu lợi dụng, Bí thư Chi bộ buôn Ea Mấp Y Tha Mlô cùng 16 đảng viên trong chi bộ và quần chúng ưu tú trong buôn phân công nhau tuyên truyền, áp dụng cả hình thức vận động cá biệt, riêng lẻ. Khi lên rẫy hay lúc ở đám ma, tiệc cưới, gặp nhau trong buổi chợ hoặc bất cứ ở đâu, có dịp là ông và các thành viên khác lại phân tích cặn kẽ để bà con hiểu, làm việc gì cũng phải tuân thủ pháp luật, ai có khúc mắc gì thì ý kiến trong những buổi họp dân, chưa thỏa đáng thì làm đơn gửi chính quyền, tuyệt đối không nghe kẻ xấu xúi giục, kích động dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.

Bảo đảm quyền lợi của người dân

Liên quan đến vụ việc xảy ra, UBND tỉnh, huyện Cư M’gar đã tổ chức đối thoại giữa Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk với các hộ dân nhận khoán tại buôn Ea Mấp nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của bà con, từ đó có giải pháp tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc giữa doanh nghiệp và người dân.

Công an thị trấn Ea Pốk tuyên truyền, động viên người dân buôn Ea Mấp yên tâm lao động sản xuất, chung tay bảo vệ bình yên buôn làng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan và Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk trực tiếp trao đổi, trả lời, hướng dẫn, giải thích và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, mong muốn bà con sống, thực hiện theo đúng Hiến pháp và pháp luật, không nghe theo sự kích động, lôi kéo của các đối tượng xấu chia rẽ khối đại đoàn kết, chấm dứt các hành vi hủy hoại tài sản của Công ty. Đối với Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk phải cầu thị, lắng nghe ý kiến của bà con, rà soát lại phương án khoán nhằm bảo đảm quyền lợi, chính sách an sinh cho người dân.

Về phía địa phương, những ngày qua, chính quyền, các đoàn thể ở huyện Cư M’gar cũng như lực lượng công an thường xuyên tuyên truyền người dân hiểu rõ bản chất sự việc, động viên bà con yên tâm lao động sản xuất, chăm lo cho con cái học hành, chung tay cùng với chính quyền địa phương bảo vệ cuộc sống bình yên cho buôn  làng.

Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Vũ Hồng Nhật cho biết, những năm qua bằng nhiều nguồn lực, địa phương đã tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở tại các buôn đồng bào DTTS như: đường giao thông, trường học, y tế phục vụ bà con. Cuộc sống của người dân vùng DTTS từng bước nâng lên, trong đó có buôn Ea Mấp và buôn Lang. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cộng với kỹ thuật, trình độ canh tác nông nghiệp của bà con chưa cao dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp. Do đó, cần có những giải pháp để hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, tiếp cận nguồn vốn giúp người dân có điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong thời gian tới, huyện sẽ quan tâm đến các hoạt động xúc tiến giới thiệu việc làm, thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ hộ đồng bào DTTS vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi; triển khai các hoạt động khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà... cho các hộ khó khăn.

Theo Công an huyện Cư M'gar, trong tháng 5/2022 và tháng 4/2023, nhiều đối tượng bị kích động đã tập hợp người dân ở buôn Lang và buôn Ea Mấp (thị trấn Ea Pốk) đập phá nhà, hàng rào và chặt cây cà phê của Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Đến nay cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can tại buôn Ea Mấp và khởi tố vụ án, khởi tố 15 bị can, làm việc với 31 đối tượng tại buôn Lang liên quan vụ hủy hoại tài sản.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.