Multimedia Đọc Báo in

Giữ màu xanh của rừng giữa lòng đô thị

04:39, 18/12/2021

Nằm giữa lòng đô thị nhộn nhịp, khu rừng đặc dụng buôn Tring (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) vẫn rợp bóng xanh tốt với không khí mát lành. Vẻ đẹp này được cộng đồng các dân tộc trên địa bàn phường nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số buôn Tring nói riêng chung tay gìn giữ, bảo vệ từ hàng chục năm nay.

Khu rừng đặc dụng buôn có diện tích 3,3 ha này nằm trên địa bàn buôn Tring 2, được người dân quen gọi với cái tên thân thuộc Đồi thông buôn Tring. Đồi thông nằm bên hồ Ea H’ră tạo cảnh quan thơ mộng ngay giữa lòng đô thị và trở thành điểm du lịch sinh thái, picnic, thư giãn không chỉ của người dân địa phương mà còn là điểm dừng chân của nhiều du khách khi đặt chân đến thị xã Buôn Hồ. Để giữ được đồi thông xanh tốt này, ngoài nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, phải kể đến sự đồng lòng, chung sức của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các buôn Tring 1, Tring 2 và Tring 3.

Đồi thông buôn Tring luôn giữ được màu xanh tốt nhờ được người dân trong buôn bảo vệ và chăm sóc.

Theo ông Y Rung Niê, Trưởng buôn Tring 2, Đồi thông buôn Tring được đồng bào Êđê ở đây trồng từ năm 1986. Để phủ xanh khu đất rừng này, lúc bấy giờ Hợp tác xã (HTX) buôn Tring (thời điểm đó buôn Tring chưa chia tách thành buôn Tring 1, Tring 2, Tring 3) (phường An Lạc) và buôn Tring 4 (xã Ea B’lang) đã đứng ra phân công mỗi hộ gia đình trong buôn phải trồng 5 hàng cây thông (mỗi hàng khoảng 36 cây) rồi giao cho nhân dân trong buôn cùng với đội bảo vệ (3 thành viên) của HTX cùng nhau chăm sóc, bảo vệ khu vực rừng trồng.

Theo hương ước của buôn, người dân trong buôn phải tuân theo quy tắc bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước. Qua tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và các già làng trong buôn, người dân nhận thức được phải bảo vệ và chăm sóc rừng thông bởi giá trị của khu rừng mang lại rất lớn như làm giảm nhẹ thiên tai, lũ lụt hay hạn hán hằng năm; đồng thời giúp giữ các mạch nước ngầm, những con suối xung quanh, mang lại nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho bà con. Cũng từ đó, người dân buôn Tring đã biết, bảo vệ rừng không chỉ là bảo vệ đời sống, kinh tế của người dân mà còn để gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, bởi vì ngay trong tín ngưỡng của họ cũng luôn có sự hiện hữu của các vị thần núi, thần nước, thần đất; đó chính là nguồn sống của con người cần phải được bảo vệ.

Đồi thông buôn Tring nằm bên hồ Ea H’ră  thu hút nhiều người dân và du khách tìm đến tham quan, thư giãn.

Nếu như hơn 30 năm về trước, người dân buôn Tring bảo vệ rừng thông bằng hương ước, quy ước của buôn làng thì sau này, với sự hiểu biết về pháp luật, đặc biệt là Luật Bảo vệ và phát triển rừng thì việc bảo vệ càng chặt chẽ. Bà H’Lui Niê, một người dân buôn Tring 2 bày tỏ: “Dù khu rừng nằm ngay trong khu dân cư và chỉ cách trung tâm thị xã Buôn Hồ hơn 2 km nhưng những cây thông ở đây không hề bị người dân chặt, phá. Ngược lại, đồng bào dân tộc Êđê ở các buôn Tring luôn có ý thức quản lý, bảo vệ rừng thông như tài sản của gia đình mình. Cứ thế, người già dạy cho người trẻ, cha mẹ dạy cho con, ông bà dạy cho cháu về việc phải giữ rừng, để rồi ý thức bảo vệ rừng thông đã ăn vào tiềm thức các thế hệ”.

Có được thành quả đó, ngoài  nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc thành lập lực lượng quản lý, bảo vệ khu rừng thì theo ông Y Rung Niê, người dân buôn Tring vẫn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nhau phải giữ rừng không chỉ thông qua các cuộc họp, sinh hoạt văn hóa của buôn mà trong chính đời sống, cuộc trò chuyện hằng ngày. Không chỉ thế, hằng năm cứ dịp lễ, Tết người dân trong buôn lại cùng nhau tổ chức dọn dẹp vệ sinh để phòng, chống cháy rừng; nhắc nhở du khách giữ gìn vệ sinh môi trường khi tổ chức vui chơi, cắm trại hay trải nghiệm ở khu rừng này. Cũng nhờ đó, từ khi trồng rừng đến nay đã hơn 35 năm, người dân buôn Tring chưa từng chặt phá hay lấn chiếm đất làm tổn hại đến khu rừng. Đồi thông này đã trở thành điểm du lịch sinh thái, là biểu tượng, niềm tự hào của cộng đồng đồng bào buôn Tring.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.