Multimedia Đọc Báo in

Giữ "vàng" cho mai sau

Để rừng thêm xanh (kỳ 3)

08:38, 28/08/2021

Nhằm từng bước khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các cấp ủy đảng, chính quyền đã và đang có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt vì mục tiêu "giữ cho rừng thêm xanh".

Xử lý những “điểm nóng”

Tình trạng để mất rừng, tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã diễn ra trong thời gian dài, một số địa bàn xuất hiện những “điểm nóng”, gây bức xúc trong dư luận và quần chúng nhân dân.

Trước thực trạng đó, thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12-1-2012 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngày 4-1-2019, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và đôn đốc thanh tra, kiểm tra, điều tra, giải quyết các vụ việc, vụ án phức tạp liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng (Ban Chỉ đạo 1287) do Bí thư Tỉnh ủy thời điểm đó là đồng chí Êban Y Phu làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo đã yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh ban hành quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của chủ rừng, các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh và cưỡng chế, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.

Trước tình trạng lấn chiếm đất diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa bàn, năm 2019, huyện Ea Súp đã triển khai công tác thu hồi đất lấn chiếm tại Tiểu khu 267, 268, xã Ea Bung theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo 1287. Cụ thể, tại địa phương có 538,4 ha đất trước đây giao cho Công ty Cổ phần Địa ốc Thái Bình Phát đã bị 101 hộ dân lấn chiếm, xâm canh thuộc diện phải thu hồi.

Kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng cho người dân vùng đệm. Ảnh: Vạn Tiếp

Để thực hiện hiệu quả, Huyện ủy Ea Súp đã thành lập Ban Chỉ đạo của huyện do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban, giao cho UBND huyện và các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch một cách cụ thể, chặt chẽ, minh bạch. Kế hoạch này được triển khai gồm 10 bước, trong đó, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thống kê, rà soát diện tích, xác định vị trí, thời điểm lấn chiếm rồi tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện trả lại đất. Nếu người dân không hợp tác mới tiến hành các bước lập hồ sơ, xử lý thu hồi theo quy định. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền để người dân hiểu được việc lấn chiếm đất lâm nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật và trả lại đất cho Nhà nước.

Qua tuyên truyền, vận động, một số hộ dân đã cam kết tự nguyện trả lại đất vô điều kiện, có những hộ yêu cầu bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất; một số hộ chống đối lực lượng chức năng nên chính quyền địa phương phải triển khai quyết liệt các biện pháp. Về phía xã Ea Bung cũng đã thành lập một tổ công tác do lãnh đạo UBND xã chỉ huy cùng với các lực lượng công an, quân sự, các đoàn thể của địa phương để tuần tra, xử lý những trường hợp vi phạm và phát hiện, ngăn chặn người dân vào rừng để lấn chiếm, khai hoang thêm. Hiện địa phương đang triển khai bước 6 là lập hồ sơ vi phạm và xử lý theo quy định đối với các trường hợp không trả lại đất, công việc này có sự hỗ trợ của Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng các sở, ngành liên quan.

Tháng 7-2021, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ cao trong công tác quản lý, bảo vệ, giám sát tài nguyên rừng giai đoạn 2021 - 2023, với kinh phí 23 tỷ đồng. Đề án sẽ xây dựng và triển khai hệ thống quản lý, kiểm tra, kiểm soát hiện trạng rừng, cảnh báo nguy cơ mất rừng; thiết lập phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong tuần tra rừng, cập nhật thay đổi hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp; phát hiện sớm cháy rừng thông qua tăng cường ứng dụng các thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin, ảnh chụp từ các thiết bị bay không người lái, ảnh viễn thám.

Công tác thu hồi 433,8 ha đất của Công ty TNHH Hoàng Nguyễn tại huyện Ea H’leo để giao lại cho địa phương quản lý cũng là nội dung được Ban Chỉ đạo 1287 theo dõi, chỉ đạo sát sao. Huyện Ea H'leo đã thành lập tổ công tác để thống kê hiện trạng, đối tượng sử dụng đất để làm cơ sở xử lý. Đến nay, chính quyền địa phương đã lập biên bản vi phạm hành chính 116 trường hợp, với diện tích hơn 246 ha; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả 83 trường hợp (184 ha), cưỡng chế khắc phục hậu quả 40 trường hợp (46,2 ha). Bên cạnh đó, cơ quan chức năng của huyện cũng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ các công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp lấn chiếm.

Trong chương trình công tác, Ban Chỉ đạo 1287 đã giao UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh tập trung xác minh, điều tra, xử lý một số vụ việc, vụ án được dư luận quan tâm. Nổi cộm nhất là các vụ việc có dấu hiệu "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại 4 công ty TNHH MTV lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ea Súp: Chư Ma Lanh, Rừng Xanh, Ea H’Mơ và Ya Lốp. Cụ thể, giai đoạn 2003 – 2016, 4 công ty này được UBND tỉnh giao hơn 60.000 ha đất lâm nghiệp, tuy nhiên, các chủ rừng đã để mất hơn 22.400 ha rừng tự nhiên, với trữ lượng gỗ 853.540 m3. Vụ án đang được cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh điều tra, xử lý. Bên cạnh đó, liên quan đến Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar để mất hàng trăm héc ta rừng tự nhiên, nhiều bị can đã bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt giam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Khôi phục, nâng cao chất lượng rừng

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng đến cuối nhiệm kỳ đạt 40 - 42% (tăng 1,6 - 3,6%). Để đạt được mục tiêu này thì diện tích rừng cần phải phát triển tương ứng từ 20.912 - 47.052 ha.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN-PTNT, trong bối cảnh hiện trạng rừng, điều kiện nguồn lực triển khai các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng như hiện nay thì đây là nhiệm vụ rất khó khăn. Một số rào cản trong quá trình thực hiện là quỹ đất quy hoạch phát triển rừng nhỏ lẻ, phân bố rải rác, manh mún, bị người dân lấn chiếm; các công ty lâm nghiệp đang tiến hành rà soát cụ thể diện tích kém hiệu quả để thu hồi đất giao về địa phương quản lý, sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch nhằm phát triển kinh tế - xã hội, do đó quỹ đất dành cho phát triển rừng ngày càng bị thu hẹp

Lực lượng giữ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông kiểm tra vị trí tuần tra rừng trên bản đồ. Ảnh: Vạn Tiếp

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, để phát triển ngành lâm nghiệp đòi hỏi những giải pháp căn cơ, đồng bộ từ Trung ương đến tỉnh. Cụ thể, các bộ, ngành Trung ương cần chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đổi mới cơ chế, chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững nhằm huy động đa dạng các nguồn lực cho phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trồng rừng, bảo vệ rừng và chế biến lâm sản; tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi gắn với phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ có giá trị, thế mạnh của từng vùng.

Bên cạnh đó, quản lý, bảo vệ chặt chẽ, phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có; bảo tồn và phát huy giá trị nguồn gen tài nguyên rừng và đa dạng sinh học. Về nguồn lực và nhân lực để phát triển lâm nghiệp, Chính phủ cần bố trí kinh phí để thực hiện Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2030; sắp xếp, kiện toàn bộ máy của lực lượng kiểm lâm theo quy định của Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 01/2019/NĐ-CP. Cụ thể, nếu bình quân mỗi công chức kiểm lâm chịu trách nhiệm quản lý 1.000 ha rừng tự nhiên thì cần bổ sung khoảng 200 công chức kiểm lâm chính quy.

Đối với tỉnh Đắk Lắk, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ được Đảng bộ tỉnh chú trọng, do đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai, tạo giải pháp đột phá từ các cấp, các ngành. Ở đây, điều cốt lõi để giữ rừng không phải chỉ là rừng có chủ thực sự mà phải làm giàu cho rừng để cộng đồng hưởng lợi từ rừng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung thu hút nhà đầu tư hợp tác với người dân triển khai trồng rừng và xây dựng cơ sở chế biến, nhằm nâng cao giá trị lâm sản của địa phương.

 (Còn nữa)

Kỳ cuối: Rừng xanh trả ..."nghĩa"

Minh Thông - Vạn Tiếp

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.