Multimedia Đọc Báo in

Nông dân huyện Lắk “điêu đứng” vì hàng trăm ha lúa vừa gieo sạ bị ngập úng

10:29, 22/05/2022

Liên tục những ngày qua, trên địa bàn huyện Lắk xảy ra mưa kéo dài khiến hàng trăm ha lúa vụ hè thu mới gieo sạ của người dân bị ngập cục bộ, bà con “đứng ngồi không yên” vì lo sợ phải gieo cấy lại.

Theo báo cáo nhanh của Phòng NN-PTNT huyện Lắk, từ ngày 19 đến 21/5, trên địa bàn huyện có mưa vừa trong nhiều giờ khiến một lượng nước lớn từ các lưu vực sông suối đổ về gây ngập úng cục bộ tại một số vùng trũng thấp trên diện tích lúa nước vụ đông xuân 2021 – 2022 và vụ hè thu 2022.

Cụ thể, tính đến 16 giờ ngày 21/5, có 652 ha cây trồng bị ngập cục bộ tại 4 xã Buôn Triết, Buôn Tría, Đăk Liêng, Ea R’bin, hầu hết là cây lúa mới sạ (633 ha). Trong đó, xã Buôn Triết khoảng 445 ha, Buôn Tría 30 ha và Đắk Liêng gần 150 ha và Ea R’bin hơn 8 ha.

Tại xã Buôn Tría, mưa lớn kéo dài làm cho khoảng 30 ha lúa mới gieo sạ và khoảng 5 ha khoai lang chưa kịp thu hoạch ngập úng. Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Tría Vũ Xuân Thọ cho biết, hiện nước trên các cánh đồng vẫn chưa rút hết, xã cũng đang thành lập đoàn để đi kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại và có phương án hỗ trợ cho người dân. Trước mắt chính quyền địa phương chỉ đạo các thôn, buôn bị ngập úng tập trung khơi thông dòng chảy, lập danh sách những hộ thiệt hại, đồng thời nhắc nhở bà con chủ động giống lúa để kịp thời gieo sạ trước khi nước rút.

Cánh đồng Nông trường 8-4 tại 2 xã Buôn Tría và Buôn Tiết (huyện Lắk) ngập trong biển nước
Cánh đồng Nông trường 8/4 tại 2 xã Buôn Tría và Buôn Tiết (huyện Lắk) ngập trong biển nước.

Đứng nhìn hơn 3,5 ha lúa mới gieo được 5 ngày ngập trong biển nước, anh Vũ Công Nghĩa (thôn Liên Kết 3, xã Buôn Tría) không khỏi xót xa. Anh Nghĩa cho hay, diện tích lúa bị ngập mới được gieo nảy mầm đều và phát triển khá tốt, thế nhưng những cơn mưa liên tiếp mấy ngày qua đã nhấn chìm toàn bộ. Vậy là bao nhiêu chi phí từ làm đất, thuê nhân công gieo sạ, thuốc cỏ, giống... đều mất hết, ước tính thiệt hại gần 30 triệu đồng. Bây giờ, anh chỉ biết chờ nước ngớt rồi khẩn trương làm lại đất, xuống giống để kịp vụ đông xuân. Tuy nhiên, nếu như tình hình mưa kéo dài, bà con không thể gieo sạ lại đúng thời vụ thì diện tích lúa sạ sau dễ bị sâu bệnh phá hoại bởi lúc hình thành lúa non, các thửa ruộng lúa khác gieo đúng vụ sẽ già hơn nên bò trĩ từ đó sẽ tấn công vào lúa non gây ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng.

Tương tự, tại xã Buôn Triết là nơi có nhiều vùng thấp trũng nhất đã có 454 ha cây trồng bị ảnh hưởng. Trong đó có 445 ha lúa nước giai đoạn mạ vụ hè thu năm 2022; 5 ha lúa nước giai đoạn sắp thu hoạch vụ đông xuân 2021 – 2022 và 4 ha khoai lang. Nhiều bà con “sống dở chết dở” vì bao nhiêu là chi phí trồng trọt nay trôi hết.

Những ruộng lúa vừa mới gieo sạ tại xã Buôn Triết bị nước nhấn chìm.
Những ruộng lúa vừa mới gieo sạ tại xã Buôn Triết bị nước nhấn chìm.

Anh Khổng Minh Thu (thôn Đoàn Kết 2, xã Buôn Triết) than thở, gia đình anh có 3 ha đất trồng lúa ở vị trí thấp trũng, để thu hoạch được trước mùa mưa lũ năm nay, gia đình đã tiến hành gieo sạ sớm. Tuy nhiên, khi sạ xong thì gặp mưa kéo dài, nước qua mương không thể thoát kịp gây ra tình trạng ngập úng. Như vậy, toàn bộ diện tích lúa mới sạ của gia đình anh chìm hẳn trong biển nước, tổng thiệt hại hơn 20 triệu đồng.

 “Hiện gia đình tôi đang chờ nước rút để tiến hành gieo sạ lại nhưng cũng không mong mỏi gì nhiều, thời tiết thuận lợi thì có ăn còn không thì thôi. Bởi nếu như gieo sạ lại vừa phải mất chi phí gần 10 triệu đồng vừa phải đối mặt với nhiều rủi ro vì vào trung tuần tháng 8 âm lịch là thời điểm thường xuyên xuất hiện bão lũ nhất, lúc này lúa mới bắt đầu đỏ đuôi chưa thể thu hoạch mà gặp lũ ngập thì coi như mất trắng”, anh Thu lo lắng.

Thửa ruộng mới gieo sạ của gia đình anh Khổng Minh Thu (thôn Đoàn Kết 2, xã Buôn Triết, huyện Lắk) nay chỉ còn bùn đất.
Thửa ruộng mới gieo sạ của gia đình anh Khổng Minh Thu (thôn Đoàn Kết 2, xã Buôn Triết, huyện Lắk) nay chỉ còn bùn đất.

Theo ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng Phòng NN-PTNN huyện Lắk, để khắc phục tình trạng ngập úng trên, trước mắt Phòng sẽ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra chế độ trực ban của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các xã, thị trấn để chỉ đạo công tác phòng tránh và khắc phục thiên tai. Bên cạnh đó, hướng dẫn UBND các xã kịp thời vận động nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định tình hình để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra; thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở nhân dân chú ý, đảm bảo an toàn cho người và tài sản, trường hợp cần thiết phải chủ động di dời người dân đến nơi an toàn.

Ngoài ra, đề nghị các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện theo nhiệm vụ, địa bàn được phân công thường xuyên bám nắm cơ sở để theo dõi, chỉ đạo; các xã, thị trấn thường xuyên báo cáo tình hình thiên tai và tổ chức thống kê chi tiết tình hình thiệt hại báo cáo về UBND huyện để tổng hợp. Đồng thời khẩn trương xác minh mức độ thiệt hại ở các xã, thị trấn theo quy định tại điểm 3 điều 6 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ngày 9/1/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Khánh Huyền

 

 

 


Ý kiến bạn đọc