Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk chủ động phòng, chống hạn cho cây trồng

06:31, 25/02/2022

Để ứng phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết, bảo vệ mùa màng, ngành nông nghiệp cùng người dân huyện Krông Búk đã chủ động triển khai nhiều biện pháp quản lý nguồn nước, điều tiết nước tưới...

Tranh thủ nguồn nước tưới

Huyện Krông Búk có gần 30.000 ha cây trồng các loại (gồm 20.560 ha cà phê, 1.072 ha hồ tiêu, 1.916 ha cây ăn quả, còn lại là các cây trồng khác). Toàn huyện chỉ có 46 công trình hồ đập thủy lợi, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu tưới cho cây trồng mỗi năm, còn lại là phụ thuộc vào các khe, suối tự nhiên và ao, hồ, giếng do người dân tự đào.

Thời điểm này là đầu mùa khô nên các hồ chứa nước vẫn cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tưới đợt 1 cho diện tích cây trồng lân cận. Tuy nhiên, do nhu cầu tưới tăng cao, trong khi các mạch nước ngầm ngày càng cạn kiệt, nếu tình hình nắng nóng cứ kéo dài thì khả năng thiếu nước tưới đợt 3 là khó tránh khỏi. Nhất là ở khu vực những năm gần đây thường xuyên bị hạn hán cục bộ như: Cư Pơng, Ea Sin, Cư Né, Cư Kpô.

Ông Lê Văn Sông (bên phải) ở buôn Mùi 3, xã Cư Né tranh thủ tưới cà phê đợt 1.

Gia đình ông Y Yut Niê ở buôn Ea Liang (xã Cư Pơng) có 4 ha cà phê nằm ngay sát hồ thủy lợi Ea Liang. Theo ông Y Yut, những năm gần đây, cứ đến tháng 4 là hồ này bắt đầu khô cạn, hơn 300 ha cà phê lân cận của người dân lâm vào cảnh thiếu nước tưới đợt 3. Đặc biệt, thời điểm sau Tết Nguyên đán, bà con thường đồng loạt ra đồng đặt máy bơm, khiến nước ngầm không về kịp, tưới được một lúc lại hết, gây tốn thời gian và chi phí. “Năm nay, tranh thủ lúc nguồn nước đang dồi dào, ngay trưa Mùng 1 Tết Nguyên đán tôi đã huy động vợ con ra rẫy đặt máy tưới nước cho cà phê. Những tưởng chỉ có mỗi hộ nhà mình, ấy vậy mà khi ra đến hồ đã thấy có cả chục hộ khác cũng đang tranh thủ lắp máy bơm tưới” - ông Y Yút bộc bạch.

 

“Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài thì khoảng 1 tháng tới sẽ có nhiều diện tích cây trồng bị ảnh hưởng. Vì vậy, cùng với các giải pháp của ngành nông nghiệp, chính quyền các xã thì cần có sự phối hợp tích cực của người dân trong quá trình bơm, sử dụng nước tưới hợp lý, hiệu quả”.

Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk Nguyễn Đình Kính

Do rẫy cách xa hồ thủy lợi chính của xã nên lâu nay 1,5 ha cà phê trồng xen điều của gia đình ông Y Blơ Niê (buôn Ea Kring, xã Ea Sin) đều sử dụng nguồn nước tưới từ suối Ea Kring. Tuy nhiên, hơn 3 năm nay, cứ vào mùa khô là dòng suối này bị khô cạn. Để có nước tưới cho cây trồng, năm 2020 gia đình ông phải vay mượn 30 triệu đồng để khoan giếng sâu 120m. Do lượng nước có hạn, hiện nay, ông chỉ tưới được khoảng 6 - 7 tiếng/ngày. Mỗi lần chỉ bơm liên tục khoảng hơn 2 tiếng, rồi lại phải chờ nước hồi lại; nhiều cây cà phê trong rẫy chưa được tưới kịp đang bắt đầu héo quắt lá.

Chủ động sớm các phương án phòng, chống hạn

Để giải “bài toán” thiếu nước tưới cho cây trồng trong mùa khô, năm 2019 gia đình anh Nguyễn Ngọc Hoanh (thôn Ea Klang, xã Ea Sin) đã quyết định đào hồ chứa 10.000 m3 ngay trong rẫy. Hồ để thu nước trong mùa mưa (vừa giúp cây trồng tránh ngập úng), đồng thời trữ nước để tưới cho toàn bộ 4 ha cây trồng của gia đình vào mùa khô. Ban đầu, do sử dụng béc phun tự động nên chỉ tưới được một đợt là hết nước. Năm 2020, anh đã lắp đặt toàn bộ hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây trong vườn. Tuy tốn kém chi phí đầu tư ban đầu nhưng hiệu quả lâu dài, giúp đất luôn giữ được độ ẩm để cây phát triển tốt, đạt năng suất cao mà lại đỡ công lao động kéo ống, chuyển béc… Ngoài ra, việc bón phân cho cây cũng khá thuận tiện, chỉ cần bật cầu dao điện hệ thống dẫn tự động tưới đến từng gốc. Vì vậy, hai năm nay, gia đình anh Hoanh không còn lo thiếu nước tưới vào mùa khô nữa.

Hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước của một hộ dân ở xã Pơng Drang.

Ông Nguyễn Đình Kính, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk cho biết, nhằm ứng phó với nguy cơ khô hạn kéo dài, ngay từ đầu mùa khô năm nay, Phòng NN-PTNT huyện đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, hợp tác xã, tổ thủy nông trên địa bàn có các biện pháp điều tiết nước hợp lý tùy đặc điểm từng khu vực. Phòng cũng chủ động phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân chú ý khơi thông dòng chảy kênh mương thủy lợi; tủ rơm, lá khô tại gốc cây để tránh bốc hơi thất thoát nước; tưới nước tiết kiệm; chia lịch với nhau không tưới ồ ạt cùng một thời điểm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Cụ thể, vận động người dân lựa chọn cơ cấu giống, thời điểm gieo trồng cho từng khu vực một cách hợp lý. Rà soát những diện tích lúa có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ để chuyển đổi sang trồng các loại cây ngắn ngày khác như đậu, ngô, khoai lang… cần nước tưới ít hơn. Đối với những loại cây trồng chủ lực như cà phê, tiêu, sầu riêng, bơ… thì xây dựng các mô hình tưới nước tiết kiệm; tủ gốc giữ ẩm cho cây, kết hợp tỉa cành tạo tán hợp lý. Tích cực tận dụng các nguồn nước tưới từ suối, khe, lạch để ngăn đập tạm, đào ao hồ trữ nước có phủ bạt, phục vụ bơm tưới. Nạo vét giếng đào, sửa chữa giếng khoan trong dân để đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và chăn nuôi.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.