Multimedia Đọc Báo in

Cách bón phân cho lúa vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả

06:39, 19/08/2021

Đối với cây lúa, sau yếu tố về giống thì việc cung cấp dinh dưỡng qua các thời kỳ sinh trưởng, phát triển hết sức quan trọng, quyết định đến hiệu quả kinh tế. Việc bón phân đúng và đủ sẽ quyết định đến năng suất và chất lượng sản phẩm lúa gạo.

Tùy theo từng giống lúa, từng chân ruộng, từng giai đoạn sinh trưởng mà cung cấp liều lượng các nguyên tố đa lượng (đạm, lân, kali), trung lượng (calci, magiê, lưu huỳnh) và vi lượng (sắt, đồng, mangan, bor, molypden) hợp lý. Nếu thiếu dinh dưỡng sẽ không khai thác tiềm năng, năng suất của cây lúa, còn nếu thừa dinh dưỡng lại tạo điều kiện sâu bệnh hại phát sinh, hiệu quả kinh tế sẽ giảm.

Theo đó, đối với vụ lúa hè thu, đầu tiên phải cung cấp nguồn phân hữu cơ (phân chuồng) bón lót khoảng 10 tấn/ha để tăng độ phì và làm xốp đất trên ruộng, giữ phân hóa học để cung cấp dần cho cây, giúp bộ rễ phát triển tốt. Tiếp đến là hàm lượng đạm, lân và ka li, căn cứ vào thời gian sinh trưởng và đặc điểm sinh học của từng giống lúa để cung cấp theo nhu cầu cần thiết. Đối với một số giống lúa mà các cơ quan chuyên môn đã khảo nghiệm, thí điểm đánh giá sự thích nghi tại Đắk Lắk thường có hướng dẫn quy trình phân bón kèm theo như giống TBR45, TBR225, TBR97, ST24, Hương Châu 6, Đài Thơm 8, VNR 20, Thơm RVT… Còn đối với những giống lúa chưa biết quy trình phân bón, người sản xuất phải nắm được thời gian sinh trưởng từng giống ở vụ hè thu để tính việc cung cấp dinh dưỡng hợp lý cho từng giai đoạn.

Đối với lượng phân đạm bón thúc khi lúa bén rễ hồi xanh, giai đoạn mạ và đẻ nhánh, thường bổ sung 2 đợt chừng 70% tổng lượng đạm cho cây lúa, bón thúc 20% trong thời kỳ làm đòng hình thành số hạt chất lượng, và số còn lại bón trong thời kỳ trổ cho hạt mẩy đều. Bón đạm cho lúa trồng trên đất thịt thường 3 lần/vụ, nhưng trên đất nhẹ, đất bạc màu phải bón 4 - 5 lần/vụ thì hiệu quả mới cao. Phải thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời triệu chứng thiếu hoặc thừa đạm mà xử lý.

Ruộng lúa phát triển tốt vì được bón phân hợp lý.

Tiếp đến là bón lót phân lân cho lúa cùng lúc với phân chuồng hữu cơ trong đợt làm đất cuối cùng, giúp cây lúa có bộ rễ phát triển mạnh và cải tạo chất phèn. Khi bộ rễ phát triển, hút được nhiều chất dinh dưỡng để nuôi cây, tăng cường nẩy chồi mạnh, giúp cây phục hồi nhanh sau khi gặp những điều kiện bất lợi. Phân lân còn thúc đẩy quá trình trổ, chín tập trung và chín sớm. Ngoài ra lân còn giúp cây hấp thụ phân đạm tốt hơn. Lá lúa thiếu lân thường có màu xanh đậm, màu vàng cam hoặc hơi tím, lá nhỏ, mọc thẳng hơn lá bình thường, năng suất chất lượng hạt giảm đáng kể, thậm chí cây có thể chết. Khi phát hiện thiếu lân, có thể khắc phục bằng cách bón thêm các loại phân có hàm lượng lân dễ tiêu như DAP (18:46:0) hay NPK (16-16-8).

Kali có tác dụng giúp cây cứng cáp hơn, chống đổ lốp, chịu hạn và chống chịu sâu bệnh; làm tăng kích thước hạt và trọng lượng của hạt, tăng phẩm chất gạo. Ngoài hai giai đoạn mạ và đẻ nhánh (bón 50 - 55% kali), lúa cần kali nhất khi phân hóa hoa, nên trước khi trổ 18 - 20 ngày buộc phải cung cấp kịp thời kali cho hoa lúa lớn nhanh và hoàn chỉnh để hình thành số hạt chắc sau này. Thời kỳ xung yếu này nên bón từ 45 - 50% so với tổng số kali của vụ.

Ngoài việc bón phân thì vấn đề điều tiết nước cho lúa cũng hết sức quan trọng. Ngay sau khi bón phân cần giữ mực nước ruộng 2 - 3 cm, không cho nước ra vô ruộng trong thời gian ít nhất 3 ngày. Không bón phân khi lá lúa còn ướt, hạt phân dính trên lá có thể gây cháy lá. Cần làm sạch cỏ trước khi bón phân, vì cỏ cạnh tranh dinh dưỡng với lúa vào tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Phải thăm đồng thường xuyên để phát hiện các triệu chứng trên cây lúa (nếu có) mà có biện pháp tác động kịp thời, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc