Multimedia Đọc Báo in

Để trái cây Đắk Lắk "sống khỏe" (kỳ 3)

07:00, 18/08/2021

“Vắc xin” nào cho nông sản?

Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp đã vào cuộc nhanh chóng trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản. Tuy nhiên đây chỉ là những giải pháp để giải quyết tình thế trước mắt. Về lâu dài, để nông sản của tỉnh "sống khỏe" thì cần có những giải pháp đồng bộ mang tính chiến lược.

Lấy doanh nghiệp làm đầu tàu

Trong lĩnh vực thương mại nông sản thì doanh nghiệp tiêu thụ có vai trò quan trọng hàng đầu, có doanh nghiệp mạnh thì sẽ có thị trường tốt. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đủ sức đưa các loại sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vươn xa. Đơn cử như Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) chuyên thu mua, sơ chế, xuất khẩu sầu riêng đi thị trường Hồng Kông và Đài Loan.

Trong vụ sầu riêng năm nay, doanh nghiệp này đã đầu tư khoảng 12 tỷ đồng để xây dựng kho đông lạnh sơ chế, chế biến, bảo quản sầu riêng với sức chứa 200 tấn sầu riêng múi. Công ty cũng có kế hoạch đưa sầu riêng vào thị trường tiêu thụ mạnh nhất là Trung Quốc theo đường chính ngạch. Theo đó, bên cạnh mã số cơ sở đóng gói, đơn vị đã chủ động phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cấp 25 mã số vùng trồng cho Hợp tác xã Cây ăn trái Krông Pắc trên diện tích 630 ha của hơn 300 nông hộ sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Bên cạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, thời gian tới, công ty cũng sẽ đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến, đóng gói trái cây xuất khẩu, tiến tới hoàn thiện lộ trình chuỗi sản xuất sầu riêng nhằm quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu cho loại nông sản này.

Sản phẩm trái cây của Đắk Lắk được giới thiệu tại một hội nghị về cây ăn trái. Ảnh: Minh Thuận

Để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị kinh tế của nông sản, tỉnh Đắk Lắk không chỉ cần những nhà kinh doanh, xuất khẩu mà phải thu hút được doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư trong chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh. Thời gian qua, địa phương đã tích cực kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến để thu mua sản phẩm cho người dân. Hiện đã có một số dự án quy mô lớn đang được triển khai như: nhà máy chế biến trái cây, rau, củ quả tại huyện Krông Búk của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất nông sản Sapo Đắk Lắk; dự án chăn nuôi heo của Tập đoàn Hùng Nhơn; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Cư M'gar; dự án sản xuất, kinh doanh lúa, gạo tại huyện Ea Súp của HTX Giảm nghèo Ea Súp hay nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu tại huyện Ea Kar của Công ty Trái cây Daclac Farm…

“UBND tỉnh đã đề nghị Bộ NN-PTNT tích cực đàm phán với Trung Quốc để hai loại trái cây chủ lực của tỉnh Đắk Lắk là bơ và sầu riêng sớm được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, đồng thời hỗ trợ truy xuất nguồn gốc vùng trồng và xây dựng thương hiệu tập thể cho các loại trái cây của tỉnh" – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà

Hiện nông nghiệp công nghệ cao và chế biến nông sản là những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh. Khi có các doanh nghiệp với tiềm lực lớn sẽ từng bước giải quyết được điểm yếu lớn nhất lâu nay của ngành nông nghiệp là năng lực chế biến. Qua đó, hạn chế nông sản ứ đọng, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian, nâng cao giá trị hàng hóa, nông sản của địa phương.

Nâng tầm nông sản Đắk Lắk

Một trong những giải pháp để giúp nông sản có được thị trường tiêu thụ ổn định, tránh tình trạng một số loại trái cây, rau, củ "điêu đứng" do yếu tố khách quan như dịch bệnh COVID-19 là xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất thực sự “khỏe”. Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp phải được cấp mã số vùng trồng không chỉ đối với hàng hóa xuất khẩu mà còn cả hàng tiêu thụ nội địa. Đơn cử như cây sầu riêng, hiện Sở NN-PTNT đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT triển khai xây dựng 57 vùng trồng, truy xuất nguồn gốc cho gần 1.000 ha để tiến hành cấp mã vùng trồng. Trong việc cấp mã vùng trồng cho nông sản, các hợp tác xã có vai trò rất quan trọng, do đó, UBND tỉnh đã giao ngành nông nghiệp chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp và các hộ nông dân theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương, cùng với việc đẩy mạnh cấp mã vùng trồng cho các mặt hàng chủ lực của tỉnh, cơ quan chức năng sẽ kêu gọi, quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư trong chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành hàng cũng cần nâng cao vai trò trong việc kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Sản phẩm trái cây của Đắk Lắk được giới thiệu, kết nối thương mại tại một hội chợ xúc tiến thương mại. Ảnh: Minh Thuận

Còn theo Sở Công thương, trong bối cảnh hiện nay cũng như tương lai, thương mại điện tử là giải pháp hết sức hữu hiệu. Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai việc hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời, hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ địa phương trong tiêu thụ nông sản, nhất là tăng cường cung cấp thông tin, dự báo về thương mại, thị trường nông sản, các quy định thị trường; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường quốc tế khi các loại nông sản vào mùa thu hoạch…

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, song song với phát triển các kênh phân phối truyền thống, cần đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối hiện đại như thương mại điện tử, các nền tảng số… Đối với xuất khẩu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hình thức xúc tiến xuất khẩu. Bộ Công thương cũng đã chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương trong hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số, nhằm tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn thương mại điện tử, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến…

Nguyễn Lê Cao Minh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.