Multimedia Đọc Báo in

Giám sát tình hình quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài

18:06, 16/11/2023

Ngày 16/11, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh do Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế làm Trưởng đoàn đã giám sát tình hình quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài của tỉnh Đắk Lắk đến hết 31/12/2022.

Theo báo cáo tại buổi giám sát, trong giai đoạn 2016 – 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 5 chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài trên địa bàn tỉnh, với tổng số vốn vay gần 317 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2021 – 2022, tiếp tục triển khai các dự án trên. Đến nay có 1 dự án đã hoàn thành, 2 dự án đã kết thúc hiệp định vay và 2 dự án đang tiếp tục triển khai.

Nhìn chung, các chương trình, dự án đã hoàn thành và kết thúc hiệp định vay đã góp phần cải thiện cơ bản và phát triển một bước cơ sở hạ tầng kinh tế. Từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế phát biểu tại buổi giám sát.

Đối với tình hình giải ngân vốn nước ngoài, giai đoạn 2021 – 2022, tổng nguồn vốn nước ngoài (do ngân sách tỉnh vay lại) được phân bổ 161,4 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2022, đã giải ngân được hơn 97 tỷ đồng, đạt 60,2% kế hoạch.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đã bố trí đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài hơn 216 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Đối với tình hình trả nợ vốn vay nước ngoài, trong năm 2021, 2022 đã trả nợ hơn 13,3 tỷ đồng. Dự kiến từ 2023 – 2025 trả nợ hơn 44 tỷ đồng.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại buổi giám sát.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại buổi giám sát.

Tại buổi giám sát, các đơn vị, chủ đầu tư đã báo cáo tình hình cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài và đề xuất những giải pháp gỡ khó trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế khẳng định, các chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài khi được triển khai, thực hiện tốt sẽ góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, các đơn vị cần chủ động rà soát để báo cáo, đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài.

Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị các sở, ngành bổ sung số liệu, hoàn thiện báo cáo về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài. Đồng thời, đề xuất những giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng vốn vay nước ngoài trong thời gian tới gửi cho Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh để có cơ sở kiến nghị HĐND tỉnh và Trung ương.

Đoàn đã đi giám sát thực tế Dự án Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới – Tiểu dự án tỉnh Đắk Lắk. Dự án được triển khai tại các huyện Krông Búk, Cư M’gar
Trưởng Phòng Hợp tác đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) Tạ Văn Quang giới thiệu các điểm tuyến thuộc hạng mục nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 29, đoạn qua huyện Krông Búk (thuộc Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới – Tiểu dự án tỉnh Đắk Lắk) với đoàn giám sát.

* Cùng ngày, Đoàn đã đi giám sát thực tế Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới – Tiểu dự án tỉnh Đắk Lắk. Dự án được triển khai tại các huyện Krông Búk, Cư M’gar, Buôn Đôn, Krông Bông và thị xã Buôn Hồ, với tổng vốn thực hiện hơn 646,7 tỷ đồng, tương đương 28,55 triệu USD. Trong đó vốn vay nước ngoài là hơn 498,2 tỷ đồng, tương đương 22 triệu USD.

Đến nay, các hạng mục được phê duyệt và ký hợp đồng đã thực hiện được 91% khối lượng. Tính đến 25/9/2023, toàn dự án đã giải ngân hơn 486,3/646,7 tỷ đồng, đạt 75,2%. Trong đó, vốn nước ngoài đã giải ngân hơn 381,8/498,2 tỷ đồng, đạt 76,63% kế hoạch.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.