Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao giá trị cho sản phẩm trứng vịt huyện Lắk

08:06, 23/03/2023

Huyện Lắk có hệ thống sông suối dày đặc, có hơn 25.000 ha đất canh tác lúa nước hằng năm đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ dân phát triển nghề nuôi vịt đẻ trứng.

Tuy nhiên, việc phát triển nghề nuôi vịt đẻ trứng hiện ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, đa phần chưa tuân thủ theo các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và cũng chưa có sự liên kết nên thị trường tiêu thụ tiềm ẩn nhiều rủi ro, bấp bênh… Những khó khăn đó đã ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người chăn nuôi vịt.

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cho sản phẩm trứng vịt của địa phương, UBND huyện Lắk đã triển khai thực hiện Dự án “Mô hình nuôi vịt đẻ trứng theo hướng VietGAP và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị”. Dự án được triển khai tại 12 hộ nuôi vịt đẻ trứng tại xã Đắk Nuê và Đắk Liêng (thuộc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thành Tín) có quy mô 24.000 con, trên tổng diện tích chuồng trại là 5.000 m2. Thời gian triển khai dự án trong vòng 17 tháng (từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2020).

Gia đình ông Nguyễn Đăng Giáp (thôn Yên Thành 1, xã Đắk Nuê) nuôi vịt theo hướng VietGAP.

Tham gia vào dự án, các hộ chăn nuôi được hướng dẫn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hỗ trợ một phần thức ăn, men, đệm lót sinh học EM, hộp đựng trứng, tem, nhãn mác sản phẩm và đánh giá theo tiêu chuẩn VietGAP… Các hộ nuôi có trách nhiệm đầu tư con giống, chuồng trại, thuốc thú y, công chăn nuôi… để áp dụng thực hành chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo ông Cao Quang Phương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thành Tín, trước đây người chăn nuôi vịt thường theo kiểu “mạnh ai người nấy làm” và chủ yếu là thả đồng nên khâu nuôi, chăm sóc không được chú trọng. Khi tham gia vào dự án, HTX đã hướng dẫn các hộ chăn nuôi theo một quy trình, từ đó tạo ra sản phẩm đồng nhất về cả năng suất lẫn chất lượng cho trứng vịt thương phẩm. HTX cũng đã đứng ra liên kết, ký kết hợp đồng với Cơ sở kinh doanh trứng vịt và thức ăn chăn nuôi Hiếu Thu (thị trấn Liên Sơn) thu mua trứng vịt cho nông dân, với mức giá tối thiếu bằng hoặc cao hơn giá thị trường từ 5 - 10 đồng/quả. “Hiện, trung bình mỗi ngày, các thành viên của HTX cung cấp cho đơn vị thu mua khoảng 20.000 quả trứng vịt, với giá 3.100 - 3.500 đồng/quả”, ông Phương cho biết.

Sản phẩm trứng vịt của HTX Nông nghiệp Thành Tín (xã Đắk Nuê) đã được cấp Chứng nhận VietGAP.

Gia đình ông Nguyễn Đăng Giáp (thôn Yên Thành 1, xã Đắk Nuê) có hơn 20 năm nuôi vịt đẻ trứng (với quy mô 2.000 con) chủ yếu nuôi theo kiểu chăn thả tự nhiên nên hiệu quả không cao. Từ tháng 8/2019, gia đình ông bắt đầu chuyển sang nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học. Ông đã mở rộng, sửa sang chuồng trại cao ráo, thoáng mát hơn; xây kho, máng đựng thức ăn cho vật nuôi, trang bị tủ đựng thuốc; dùng men để khử mùi hôi, diệt khuẩn và chế phẩm sinh học để ủ chất thải vật nuôi cũng như tuân thủ đúng lịch tiêm vắc xin và chế độ ăn cho vật nuôi. Nhờ vậy, đàn vịt sinh trưởng, phát triển tốt, giảm tỷ lệ hao hụt đàn. Ngoài ra, năng suất đẻ trứng của đàn vịt cũng tăng lên, đạt 85 - 90% (tăng 20% so với trước đây). Ông Giáp cho hay: “Chỉ sau hai tháng nuôi theo hướng an toàn sinh học, sản phẩm trứng vịt của gia đình tôi đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, giúp giá bán trứng vịt tăng lên, có đầu ra ổn định. Mỗi ngày, gia đình tôi thu 1.600 - 1.800 quả trứng, với giá bán 3.100 đồng/quả như hiện nay, sau khi trừ chi phí tôi thu lãi từ 700 - 800 nghìn đồng từ việc bán trứng.”

Nhận thấy việc nuôi vịt theo hướng VietGAP và liên kết sản xuất theo chuỗi đem lại hiệu quả cao, nhiều hộ chăn nuôi đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi. Như gia đình ông Trần Văn Sơn (thôn Yên Thành 2, xã Đắk Nuê) với số lượng vịt nuôi ban đầu là 1.000 con, đến nay đã tăng đàn lên 3.000 con và đầu tư xây dựng khu chuồng trại rộng gần 1.000 m2. Nghề nuôi vịt đã đem lại cho gia đình ông nguồn thu ổn định khoảng 20 triệu đồng/tháng. Theo ông Sơn, quy trình của việc nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học còn tận dụng được phụ phẩm trong chăn nuôi để làm phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng mà lại không gây ô nhiễm môi trường.

Từ hiệu quả bước đầu mà mô hình mang lại, nhằm xây dựng, củng cố chuỗi liên kết bền vững, sau khi kết thúc dự án, HTX và các hộ chăn nuôi tiếp tục duy trì liên kết, mở rộng quy mô sản xuất; tiếp nhận thêm thành viên nếu đủ điều kiện tham gia. Dự án tiếp tục hỗ trợ HTX, thành viên HTX, doanh nghiệp tham gia tập huấn, hội thảo, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất; đặc biệt, sẽ được dự án hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư con giống, các loại vật tư thiết yếu phục vụ cho việc chăn nuôi...

Theo Trưởng Phòng NN-PTNN huyện Lắk Nguyễn Viết Quang, hiện tổng đàn gia cầm trên địa bàn huyện là 702.000 con, trong đó đàn vịt đẻ trứng là 500.000 con, tập trung chủ yếu tại hai xã Đắk Nuê, Đắk Liêng. Qua gần bốn năm triển khai Dự án “Mô hình nuôi vịt đẻ trứng theo hướng VietGAP và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị” đã giúp người chăn nuôi nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trên cùng một đơn vị diện tích, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm trứng vịt. Qua đó giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống; đồng thời giúp địa phương đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Đây cũng bước đệm để trứng vịt trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện Lắk trong thời gian tới.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.