Multimedia Đọc Báo in

Phát triển nghề nuôi vịt ở Lắk

11:11, 29/10/2019
Tận dụng lợi thế có diện tích đồng ruộng rộng lớn, hệ thống kênh mương, ao hồ đa dạng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Lắk đã phát triển nghề nuôi vịt với quy mô lớn, từng bước xây dựng “thương hiệu” thịt vịt và trứng vịt Lắk trên thị trường...

Hiệu quả kinh tế cao

Trang trại nuôi vịt đẻ của gia đình chị Trần Thị Hà ở buôn Tung 1 (xã Buôn Triết, huyện Lắk) rộng khoảng 3.000 m2 nằm ngay sát khu vực ruộng lúa nước hơn 5 ha của gia đình. Bên trong trang trại có sân bê tông, nhiều ô chuồng, ao cho vịt tắm kết hợp thả cá cùng hệ thống cấp thoát nước bảo đảm vệ sinh tốt. Chị Hà cho biết, gia đình bắt đầu nuôi vịt từ năm 2010, mỗi năm đều duy trì ổn định 5.000 con vịt mái đẻ và trên 200 con vịt trống. Ngoài ra, chị còn đầu tư thêm lò ấp trứng với công suất 40.000 quả/lượt. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và phòng dịch bệnh tốt nên tỷ lệ đẻ trứng của đàn đạt khoảng 95%. Số lượng trứng vịt đều được thương lái đến tận nhà thu mua với giá bình quân 3.400 đồng/trứng lộn và 2.500 đồng/trứng ngang. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình chị Hà có thu nhập trên 300 triệu đồng.

Chị Trần Thị Hà ở buôn Tung 1 (xã Buôn Triết, huyện Lắk) chăm sóc đàn vịt.
Chị Trần Thị Hà ở buôn Tung 1 (xã Buôn Triết, huyện Lắk) chăm sóc đàn vịt.

Những ngày này, anh Phạm Huy Cường (thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría) cũng đang chăn thả đàn vịt hơn 3.000 con ở cánh đồng gần nhà. Anh Cường cho hay, từ tháng 7 đến hết tháng 10 âm lịch hằng năm, khi cánh đồng lúa ở xã Buôn Tría được gặt xong thì anh lại thuê ruộng của bà con để chăn thả vịt. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, lượng thức ăn tự nhiên ngoài đồng phong phú nên trứng vịt thả đồng ở huyện Lắk thường to, lòng đỏ nhiều hơn và khi ăn có cảm giác ngọt, béo hơn so với trứng ở các nơi khác.

 

Ở Lắk còn có loại trứng vịt “đặc sản” hai lòng đỏ, quả to và có giá trị dinh dưỡng cao hơn so với trứng thường. Sở dĩ trứng hai lòng đỏ là do vịt được chăn thả tự nhiên, ăn đầy đủ chất chứ không có sự tác động nào của con người. Loại này được bán với giá cao hơn trứng thường từ 500 - 1.000 đồng/quả”.

 

 
Anh Nguyễn Trung Hiếu, thương lái thu mua trứng vịt ở tổ dân phố 3, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk

Bên các mô hình chăn nuôi thì ở huyện Lắk cũng xuất hiện nhiều cơ sở thu mua trứng vịt quy mô lớn. Với kinh nghiệm 10 năm làm nghề thu mua trứng vịt trên địa bàn, anh Nguyễn Trung Hiếu ở tổ dân phố 3, thị trấn Liên Sơn chia sẻ: Sản phẩm trứng vịt huyện Lắk đang có đầu ra khá ổn định, tạo được thương hiệu riêng trên thị trường bởi chất lượng trứng thơm ngon, quả to đều. Mỗi ngày anh thu mua trên 50.000 trứng để đưa đi các tỉnh Gia Lai, Bình Dương, Lâm Đồng bỏ mối cho các đại lý.

Xây dựng thương hiệu cho Lắk

Huyện Lắk có 8.200 ha lúa nước, cùng hệ thống sông, kênh mương thủy lợi, hồ ao khá dày đặc nên lượng phụ phẩm từ nông nghiệp và thức ăn tự nhiên như cá, tôm, ốc… phong phú. Đây là điều kiện thuận lợi để giúp việc chăn nuôi vịt quy mô trang trại trở thành một trong những nghề chính của người dân huyện Lắk, nhất là ở các xã Buôn Triết, Buôn Tría, Đắk Liêng, Đắk Nuê…

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Lắk, năm 2019, toàn huyện có khoảng 200 hộ nuôi vịt, với tổng đàn hơn 200.000 con, trong đó có khoảng 165.000 con vịt đẻ trứng. Trung bình mỗi năm, huyện Lắk cung cấp cho thị trường khoảng 100 triệu quả trứng và 80 tấn vịt thịt. Ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lắk cho hay, hằng năm, ngành Nông nghiệp huyện thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi vịt cho người dân, đặc biệt là hướng dẫn cách phòng ngừa dịch bệnh, kỹ thuật làm chuồng trại chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường. Cùng với đó, các chủ trang trại cũng liên hệ với cán bộ thú y huyện, xã thường xuyên đến kiểm tra, xử lý, tiêu độc khử trùng, phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi ngay từ đầu, không để phát sinh dịch bệnh.

Trứng vịt được cơ sở gia đình anh Nguyễn Trung Hiếu ở tổ dân phố 3, thị trấn Liên Sơn thu mua về phân loại trước khi xuất bán.
Trứng vịt được cơ sở gia đình anh Nguyễn Trung Hiếu ở tổ dân phố 3, thị trấn Liên Sơn thu mua về phân loại trước khi xuất bán.

Ông Nguyễn Viết Quang cho biết thêm, hiện Phòng NN-PTNT huyện đang triển khai kế hoạch hỗ trợ trên 400 triệu đồng để thí điểm xây dựng mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thành Tín (thôn Yên Thành 2, xã Đắk Nuê) với quy mô khoảng 24.000 con vịt đẻ trứng. Mô hình này có liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh để giới thiệu và bán sản phẩm thịt, trứng vịt. Đây là điều kiện cần để giúp nghề nuôi vịt phát triển ổn định, sản phẩm trứng và thịt vịt Lắk khẳng định được thương hiệu.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.