Multimedia Đọc Báo in

Những “sao mai” khởi nghiệp

15:59, 25/01/2023

Phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, nuôi dưỡng, ươm mầm cho nhiều “sao mai” được thỏa sức đam mê, sáng tạo, khởi nghiệp thành công với đa dạng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. 

Làm giàu từ dế

Quyết định từ bỏ công việc làm kỹ sư cơ khí tại một công ty ở Nhật Bản, anh Đặng Đình Luân (thôn 11, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) trở về quê hương và khởi nghiệp thành công với mô hình sản xuất, thương mại các sản phẩm dế mèn Thái Lan mang thương hiệu “Hoa Mặt Trời Farm”.

Cuối năm 2019, qua tìm hiểu một số mô hình nuôi dế tại tỉnh Tây Ninh, Vĩnh Long cho hiệu quả kinh tế cao, anh Luân đã quyết định đầu tư nuôi dế theo hướng thương phẩm. Nghĩ là làm, tháng 5/2020 anh mua thử hai hộp trứng dế mèn Thái Lan và tận dụng những khoảng không gian trống trước hiên nhà để thưng bạt làm chuồng nuôi dế. Sau 45 ngày nuôi, đàn dế đã cho thu hoạch, mỗi ô thu được từ 5 kg dế thương phẩm.

Nhận thấy dế là loài vật dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp lại không gây ô nhiễm môi trường, anh Luân tiếp tục mở rộng quy mô đàn lên 20 hộp trứng dế được nuôi gối đầu. Mỗi tháng anh thu hoạch được khoảng 50 kg dế thương phẩm, cung cấp cho một số nhà hàng trên địa bàn Đắk Lắk và Đắk Nông, với giá bán 120.000 đồng/kg.

Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất dế thương phẩm, anh còn tìm hiểu, chế biến ra các sản phẩm chuyên sâu từ dế (dế sấy rang muối, dế sấy cay giòn, bột dế, thanh protein dế) để tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng và từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ. 

Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hoa Mặt Trời Farm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm dế qua kênh online và sàn thương mại điện tử

Nhằm phục vụ cho việc sản xuất, anh đã đầu tư, mở rộng quy mô chuồng trại lên 300 m2 và xây dựng nhà xưởng để chế biến, đóng gói sản phẩm.

Ngoài ra, anh còn liên kết và bao tiêu sản phẩm cho 9 hộ nuôi dế ở huyện Cư Kuin và Krông Pắc... Hiện tại, anh đã xây dựng được hệ thống đại lý phân phối tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Sơn La, Hải Phòng... và bán gián tiếp cho người tiêu dùng thông qua các kênh bán online (Facebook, website, Fanpage) và sàn thương mại điện tử: Shopee, Lazada, Tiktok. Trung bình, mỗi tháng anh xuất bán ra thị trường khoảng 100 kg dế thương phẩm, 15.000 - 30.000 gói sản phẩm từ dế. Với mức doanh thu đạt 250 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí anh thu lãi 50 triệu đồng/tháng.

Với mục tiêu trở thành doanh nghiệp dẫn đầu về mảng chăn nuôi dế theo hướng hiện đại, tháng 4/2022 anh Luân đã thành lập Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hoa Mặt Trời Farm, chuyên cung ứng ra thị trường các sản phẩm ăn liền độc đáo từ dế với chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Ngoài ra, công ty còn nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm chế biến từ sâu tre, châu chấu, lươn, nhái, nấm bào ngư... được rất nhiều khách hàng ưa chuộng.

Cải thiện sức khỏe từ thảo mộc tự nhiên

Khi còn là sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật của Trường Đại học Ngoại thương (TP. Hồ Chí Minh), Chu Thị Lan (thôn 14, xã Ea Kly, huyện Krông Pắc) đã có cơ hội tham quan Công ty Tategamori Ark (Nhật Bản) trong chương trình giao lưu văn hóa Việt - Nhật.

Cũng chính từ đây đã gieo vào lòng Lan tình yêu mến, ngưỡng mộ với xứ sở hoa anh đào. Sau khi ra trường, với lợi thế về tiếng Nhật, cô gái trẻ may mắn trở thành nhân viên chính thức của Công ty Tategamori Ark và được làm việc trong trang trại chăn nuôi, trồng rau hữu cơ.

Sau 5 năm làm việc tại Nhật Bản, Lan không chỉ có kiến thức sản xuất nông nghiệp, mà còn có cơ hội tiếp cận và hiểu biết về thói quen chăm sóc sức khỏe từ thảo mộc của người Nhật. Từ sự yêu thích, tò mò đã thúc đẩy Lan tham gia khóa học về thảo mộc, như: liệu pháp hương thơm, thảo dược học, điều phối thực phẩm tự nhiên, mỹ phẩm hữu cơ. Khi đã có kiến thức cơ bản, Lan tiếp tục theo học hai khóa học chuyên sâu là trị liệu thảo dược và trị liệu thảo dược cao cấp.

“Dựa vào kiến thức Medical Herbs (thảo dược học) của Nhật Bản, các loại trà thảo mộc được pha trộn khoảng 30 loại nguyên liệu khác nhau, trong đó 95% các loại thảo mộc đang được trồng hoặc có thể trồng tốt tại Việt Nam, đó là điều kiện thuận lợi để mình nuôi dưỡng đam mê và ý định lan tỏa những sản phẩm tự nhiên, an toàn giúp mọi người cải thiện sức khỏe”, Lan chia sẻ. 

Các loại thảo mộc được Công ty TNHH Lanchans sấy ở nhiệt độ phù hợp để giữ được màu sắc, mùi thơm và công dụng.

Năm 2021, Lan trở về quê nhà và bắt tay vào trồng 12 loại thảo dược, như: bạc hà, cúc tím, hương thảo, cỏ ban âu... trên diện tích gần 1 ha; đồng thời, liên kết với các nông trại chuyên trồng dược liệu nhằm tạo nguồn nguyên liệu đầu vào an toàn. Các nguyên liệu thô, qua quy trình sơ chế, loại bỏ hoa, lá, củ bị sâu bệnh và làm sạch, đem sấy ở nhiệt độ thích hợp (từ 3 - 800C) sẽ đảm bảo giữ được màu sắc, mùi vị và phát huy hết công dụng. Tìm hiểu nhu cầu thị trường, tháng 9/2022, Lan đã thành lập Công ty TNHH Lanchans và cho ra đời 6 sản phẩm từ trà thảo mộc giúp thư giãn, hỗ trợ tiêu hóa; hỗ trợ hoạt động của gan; thanh lọc; đẹp da, phục hồi thể lực… Ngoài ra, Lan còn phối hợp với một người bạn Nhật Bản chuyên về điều chế tinh dầu để làm thêm 4 sản phẩm ứng dụng thảo mộc, như: xà bông lỏng, sáp thảo mộc, dầu dưỡng, xịt đuổi muỗi. Được sự đón nhận tích cực của khách hàng, chỉ trong 5 tháng bán thử nghiệm các sản phẩm thảo mộc đã mang lại cho Lan thu nhập 30 triệu đồng/tháng.

Trên đây là hai trong số rất nhiều “sao mai” trong toàn tỉnh đang tích cực khẳng định mình trên con đường khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm địa phương và lan tỏa thông điệp tích cực, dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi của những người trẻ trong thời đại mới.

Được đánh giá cao tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk năm 2022 vừa qua, Dự án trà thảo mộc và sản phẩm ứng dụng thảo mộc dựa trên Medical Herb Nhật Bản của Chu Thị Lan đã vinh dự đạt giải Nhất; Dự án sản xuất, thương mại các sản phẩm dế mèn Thái Lan của Đặng Đình Luân đạt giải Ba. 

 

Tuyết Mai – Phương Thảo

 


Ý kiến bạn đọc