Multimedia Đọc Báo in

Vì sao tiểu thương chưa mặn mà với chợ mới Pơng Drang?

15:48, 31/10/2022

Dù chợ mới của xã Pơng Drang (huyện Krông Búk) được xây dựng khang trang và đi vào hoạt động hơn 1 năm nhưng đến nay vẫn vắng tiểu thương...

Tiểu thương "chê" chợ

Chợ Pơng Drang ở thôn Tân Lập 6 (chợ cũ) được xây dựng từ năm 1991, gồm 1 dãy chợ lồng và một dãy chợ trời. Hiện nay, toàn bộ nhà lồng chợ đã xuống cấp trầm trọng, khu vực buôn bán chật hẹp, hệ thống cống rãnh thoát nước quanh chợ không có, gây ô nhiễm môi trường. Khu vực vệ sinh công cộng của chợ không đảm bảo; hệ thống phòng cháy, chữa cháy không có; các tuyến đường vào chợ chật hẹp, khó khăn trong việc cứu hộ, cứu nạn nếu có sự cố cháy, nổ xảy ra. Chợ nằm ngay Quốc lộ 14, ảnh hưởng đến an toàn hành lang giao thông.

UBND xã Pơng Drang cho biết, chợ cũ không còn nằm trong quy hoạch phát triển ngành thương mại huyện đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Phần diện tích đất tại đây đã được quy hoạch xây dựng công viên cây xanh theo Quyết định 1731 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất huyện Krông Búk đến năm 2030.

Hoạt động buôn bán của các hộ kinh doanh trước chợ cũ lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên Quốc lộ 14 đoạn qua xã Pơng Drang (huyện Krông Búk).

Cũng theo Quyết định 1731, chợ Pơng Drang được quy hoạch xây dựng tại thôn 12 (chợ mới) và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2021. Chợ mới được quy hoạch với diện tích trên 9.900 m2, tổng kinh phí đầu tư hơn 37 tỷ đồng, gồm những hạng mục: nhà chợ chính 140 điểm kinh doanh; khu nhà chợ bán hàng tươi sống 77 điểm kinh doanh; dãy kiôt bán hàng (76 kiốt); sân bán hàng ngoài trời, bãi thu gom chất thải rắn, khu xử lý nước thải; cổng, tường rào, cây xanh, bãi xe; nhà quản lý chợ, nhà vệ sinh; hệ thống cấp điện, thoát nước, thông tin liên lạc, chống sét, phòng cháy chữa cháy… Sau khi chợ hoàn thành, đi vào hoạt động, chính quyền địa phương đã vận động và di dời tiểu thương từ chợ cũ về chợ mới. Tuy nhiên, chỉ được một vài hôm, tiểu thương lại quay trở lại chợ cũ buôn bán.

Nói về nguyên nhân không buôn bán ở chợ mới, tiểu thương P.T.N. (55 tuổi) cho hay: “Tôi bỏ vốn 200 triệu đồng để sở hữu kiốt ở chợ mới, nhưng lên đó buôn bán ế ẩm, trụ không nổi nên tôi lại dọn về chợ cũ”. Còn tiểu thương N.T.S. (46 tuổi) nói: "Bán hàng nhỏ lẻ, chúng tôi cũng muốn được vào chợ mới để buôn bán ổn định. Tuy nhiên, chủ đầu tư yêu cầu phải đóng tiền thuê địa điểm thời hạn 45 năm, với mức giá 50 - 150 triệu đồng (tùy thuộc địa điểm kinh doanh) một lần, thì chúng tôi không thể có tiền để đóng ngay được, nên tôi vẫn phải "bám" lại chợ cũ".

Sớm ổn định kinh doanh tại chợ mới

Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện quy hoạch, xây dựng và phát triển chợ mới đảm bảo theo quy định, đồng thời định hướng sắp xếp, tổ chức lại không gian kiến trúc đô thị, xây dựng và phát triển ở xã Pơng Drang, ngày 5/10/2022 UBND xã Pơng Drang đã ra thông báo số 77/TB-UBND về việc tổ chức đóng cửa chợ Pơng Drang ở thôn Tân Lập 6, các tụ điểm kinh doanh buôn bán không đúng quy hoạch và quy định trên địa bàn xã.

Ông Lê Xuân Bá, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin, dù đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức đối thoại trực tiếp, giải thích cặn kẽ để nhân dân biết, đồng thuận và chấp hành, cũng như công khai các văn bản đúng quy định, nhưng việc di dời còn nhiều bất cập.

Cụ thể, khi chợ cũ được xây dựng (năm 1991), UBND xã thực hiện ký hợp đồng mua sạp cho buôn bán lâu dài với 137 tiểu thương. Qua rà soát, kiểm tra, UBND xã xác minh được 71 hộ có giấy tờ chứng minh xác thực. Đối với những trường hợp này, UBND xã đã có hướng dẫn hỗ trợ đền bù tài sản trên đất. Một số tiểu thương có nhà ở xung quanh chợ cũ không muốn di dời, thường xuyên không hợp tác với các tổ tuyên truyền di dời chợ. Trong khi đó, nhân lực của  địa phương còn thiếu, do đó công tác kiểm tra, đôn đốc tiểu thương di dời chợ còn nhiều hạn chế…

Chợ Pơng Drang mới ở thôn 12 được xây dựng sạch đẹp.

Để tạo điều kiện cho tiểu thương trong việc di chuyển và sớm ổn định tại chợ mới, chính quyền địa phương đã triển khai phương án hỗ trợ các hộ tiểu thương và các hộ có nhà đang kinh doanh, buôn bán bị ảnh hưởng. “UBND xã đã làm việc với đơn vị đầu tư đưa ra nhiều mức hỗ trợ cho các tiểu thương như: miễn giảm từ 3 - 5 năm thời gian thuê mặt bằng điểm kinh doanh, miễn thu phí sân bán hàng ngoài trời đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người bán hàng rong không có điểm kinh doanh cố định và người dân tự sản xuất các sản phẩm nông nghiệp (rau, củ, quả, gà, vịt, cá…) mà không kinh doanh buôn bán thường xuyên để các tiểu thương tự di dời vào chợ mới buôn bán và bám chợ”, ông Bá cho hay.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Phan Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, đồng thuận với chủ trương di dời vào chợ Pơng Drang mới buôn bán, kinh doanh. Yêu cầu UBND xã Pơng Drang phải triển khai quyết liệt hơn nữa trong việc đôn đốc tiểu thương di dời đến chợ mới, trường hợp các tiểu thương cố tình không chấp hành thì chính quyền địa phương sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế di dời. "Đối với những trường hợp tụ tập đông người trái quy định pháp luật, đã được nhắc nhở, vận động, thuyết phục mà không tự giác giải tán, cố tình vi phạm, chống đối, cản trở lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", ông Lâm nhấn mạnh.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.