Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

11:31, 15/09/2022

Sáng 15/9, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình) và Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, giai đoạn 2021 - 2030” (gọi tắt là Đề án) trình Thủ tướng Chính phủ. Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại hội thảo, thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình Trần Minh Sơn đã báo cáo dự thảo Đề án. Theo đó, Chính phủ đã có 4 nghị quyết giao cho Bộ Tư pháp xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm mục tiêu chung là hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh sau dịch COVID-19, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với nguồn lực, qua đó xử lý được những khó khăn, vướng mắc pháp lý cụ thể cho DN.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Mục tiêu cụ thể của Đề án là nhằm hoàn thiện khung pháp lý về hỗ trợ pháp lý cho DN, hướng tới 100% DN được hỗ trợ pháp lý miễn phí khi có nhu cầu; giải quyết, tháo gỡ vướng mắc khó khăn về mặt pháp lý cho DN nhà nước, DN nhỏ và vừa khi có nhu cầu; vận hành hiệu quả hệ thống mạng lưới tư vấn viên pháp luật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý cho DN; phấn đấu 100% quy định pháp luật về DN, về quyền và nghĩa vụ của DN được thông tin kịp thời, đầy đủ đến DN.

Đề án còn đề ra mục tiêu: định kỳ hằng năm tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật cho DN và người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DN; có cơ chế thu hút sự tham gia của các luật sư, luật gia, tư vấn viên pháp luật tham gia hỗ trợ thường xuyên công tác hỗ trợ pháp lý cho DN; hướng đến chuyên môn hóa hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN; kiện toàn tổ chức nhân sự nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng của người làm quản lý công tác hỗ trợ pháp lý cho DN; xây dựng hệ sinh thái về hỗ trợ pháp lý cho DN tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; triển khai các giải pháp xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa…

Đại diện Đoàn Luật sư tỉnh đóng góp ý kiến tại hội thảo.
Đại diện Đoàn Luật sư tỉnh đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã trình bày nhiều tham luận và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho DN. Trong đó, cần ban hành quy định cụ thể về các chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN đối với từng bộ, ngành; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho DN; tăng cường công tác trao đổi, chia sẻ nhằm kịp thời hỗ trợ cung cấp thông tin pháp lý cho DN; nâng cao nhận thức, năng lực về pháp lý và hỗ trợ pháp lý cho DN; phát triển hệ sinh thái hỗ trợ pháp lý cho DN, giải pháp xã hội hóa hoạt động hỗ trợ pháp lý, lồng ghép, kết hợp các chương trình, đề án hỗ trợ DN…

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), Phó trưởng Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025 Cao Đăng Vinh phát biểu kết luận hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), Phó trưởng Ban Quản lý Chương trình Cao Đăng Vinh đã tiếp thu, ghi nhận ý kiến của các đại biểu góp ý cho dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho DN giai đoạn 2021 - 2030” để Bộ Tư pháp hoàn thiện, tiếp tục lấy ý kiến các địa phương và ý kiến các bộ, ngành, tổ chức đại diện cho DN trước khi trình Thủ tướng Chính phủ (dự kiến tháng 12/2022).

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.