Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng kênh tưới thủy lợi Ia Mơr: Cần sớm giải quyết quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất

08:17, 02/08/2022

Nhằm tạo điều kiện cho Dự án thủy lợi Ia Mơr (đoạn qua xã Ia Lốp, huyện Ea Súp), hàng trăm người dân địa phương đã bàn giao đất cho chủ đầu tư để thi công công trình. Tuy nhiên, khi công trình đã hoàn thành việc thi công, bà con vẫn chưa nhận được tiền đền bù.

Dự án hồ thủy lợi Ia Mơr (giai đoạn 2, kênh và công trình trên kênh đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk) chiều dài hơn 33 km, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 159 tỷ đồng, mục đích dẫn nước từ hồ thủy lợi Ia Mơr (tỉnh Gia Lai) phục vụ tưới cho 4.000 ha đất canh tác thuộc địa bàn xã Ia Lốp và một phần xã Ia Jlơi (huyện Ea Súp).

Để thi công, đơn vị đã thu hồi, giải phóng mặt bằng đất của 354 hộ dân tại xã Ia Lốp. Do tính cấp bách của dự án và để thi công kịp tiến độ, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương để chủ đầu tư thực hiện thu hồi đất trước rồi bồi thường sau. Người dân địa phương rất đồng thuận và tiến hành bàn giao mặt bằng để triển khai dự án trong năm 2020. Cuối năm 2021, công trình đã hoàn thành thi công, nhưng đến nay, quyền lợi của người dân bị thu hồi đất vẫn chưa được giải quyết.

Dự án kênh tưới thủy lợi Ia Mơr giai đoạn đang thi công

Anh Nguyễn Hữu Nghĩa (thôn Trung, xã Ia Lốp) là một trong những người bị ảnh hưởng nhiều khi công trình kênh tưới đi qua. Anh cho biết, năm 2020, gia đình anh bị thu hồi hơn 1,6 sào đất trồng nhãn, xoài đang thời kỳ kinh doanh. Bị thiệt hại về kinh tế nhưng anh rất ủng hộ việc bàn giao đất cho công trình vì mục đích chung. Tuy nhiên đến nay, anh vẫn chưa nhận được tiền đền bù.

Dự án hồ thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, dung tích gần 180 triệu m3 nước, cấp nước cho 10.000 ha đất canh tác tại tỉnh Gia Lai và 4.000 ha đất canh tác tại tỉnh Đắk Lắk. Kênh chính Đông có tổng chiều dài 35,6 km nằm trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, kênh chính Tây dài hơn 15 km nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Không chỉ gia đình anh Nghĩa, nhiều người dân địa phương rất phấn khởi khi biết dự án được triển khai sẽ đưa nước tưới về cho vùng đất khô khát này. Hầu hết bà con đều đồng thuận và bàn giao mặt bằng để xây dựng công trình, trung bình từ 0,5 – 1 sào/hộ. Phần lớn người dân ở đây đều làm nông, cuộc sống khó khăn nên bà con mong chờ sớm được chi trả quyền lợi để ổn định cuộc sống và đầu tư vào sản xuất.

Theo ông Võ Thành Toàn, Trưởng Phòng Đền bù giải phóng mặt bằng (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk), kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng dự án gần 20 tỷ đồng, hiện đã có sẵn. Tuy nhiên, phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa được huyện Ea Súp thẩm định, phê duyệt nên chưa thể chi trả cho người dân.

Một đoạn kênh Ia Mơr đi qua khu vực đất sản xuất của người dân xã Ia Lốp, huyện Ea Súp. 

Theo UBND huyện Ea Súp, năm 2021, UBND tỉnh đã giao huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu áp dụng chế độ, chính sách giải phóng mặt bằng để phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với công trình hồ thủy lợi Ia Mơr. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, địa phương gặp nhiều khó khăn. Những vướng mắc ở đây liên quan đến nguồn gốc sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất, áp dụng khung chính sách, xác định tuổi cây trồng và hỗ trợ hộ nghèo… Bên cạnh đó, thời gian gần đây, địa phương đang thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác như thu hồi đất lấn chiếm tại Tiểu khu 267, Tiểu khu 268 (xã Ea Bung); quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2022; phương án tổng thể quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc thu hồi từ các lâm trường… nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, thẩm định phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.

Thiết nghĩ, UBND huyện Ea Súp cần đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng liên quan đến đầu tư xây dựng kênh tưới hồ thủy lợi Ia Mơr để sớm giải quyết quyền lợi cho người dân xã Ia Lốp khi Nhà nước thu hồi đất xây dựng công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc